Người dân loay hoay trong “cơn bão” tăng giá xăng, gas

03/03/2022 19:46

Kinhte&Xahoi “Cơn bão” tăng giá của các mặt hàng xăng, dầu, gas... trong thời gian ngắn vừa qua khiến cho người dân không khỏi hoang mang, lo lắng, thậm chí làm đảo lộn cuộc sống của không ít người dân, nhất là những người lao động nghèo. Do đó, người dân đã thắt chặt chi tiêu, cắt giảm tối đa chi phí sinh hoạt để duy trì cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Khó khăn chồng chất

 Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, công việc chạy xe ôm của anh Nguyễn Hữu Long (quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang), hiện đang sinh sống tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) càng trở lên khó khăn hơn. Theo anh Long, những năm gần đây số lượng người hành nghề xe ôm công nghệ ngày một nhiều, trong khi đó khách đi lại ngày một ít. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân càng ít đi lại bằng phương tiện công cộng nên cuộc sống của những người chạy xe ôm càng thêm khó khăn.

Anh Long chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi quyết định ở lại Hà Nội làm việc kể từ khi vợ tôi ra trường đi làm. Hiện vợ tôi đang làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng tôi và con gái nhỏ vẫn đang thuê trọ tại quận Hoàng Mai để sinh sống.

Nếu như trước kia chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu nhập của hai vợ chồng cũng được xem là khá, sau khi trừ tất cả các khoản chi tiêu hàng tháng, vợ chồng tôi vẫn để ra một khoản để tích lũy. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, công việc của vợ cũng không được thuận lợi, nghề nghiệp của tôi thì bấp bênh nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn”.

Giá xăng liên tục tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của những người hành nghề xe ôm

Cuộc sống của vợ chồng anh Long vốn đã gặp nhiều khó khăn thì nay lại càng khó khăn hơn khi các chi phí sinh hoạt phục vụ cuộc sống ngày càng tăng cao. Dù có cố gắng chi tiêu tiết kiệm, cắt giảm đi nhiều khoản không cần thiết nhưng gia đình anh Long vẫn luôn sống trong lo lắng vì không biết có thể bám trụ tại Hà Nội đến lúc nào.

“Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, thời gian gần đây vợ chồng tôi đã nhờ bố mẹ ở quê mua thực phẩm, rau củ rồi gửi ra Hà Nội vì giá cả thực phẩm ngoài này khá cao. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, giá xăng dầu, gas... liên tục tăng giá. Trong khi đó, tôi không thể tự ý tăng giá vận chuyển hành khách nên thu nhập bị sụt giảm, cuộc sống vốn đã khó khăn thì nay càng thêm bế tắc”, anh Long tâm sự.

Cũng chung hoàn cảnh với anh Nguyễn Hữu Long, chị Giáp Thị Minh ở Gia Lâm, Hà Nội, cũng rơi vào khó khăn khi bị ảnh hưởng kép bởi dịch bệnh và giá cả leo thang.

Chị Minh cho biết: “Tôi kinh doanh hàng ăn online, hàng ngày tôi thường nấu các món ăn theo đơn đặt hàng của khách rồi giao đến tận nhà cho khách hàng. Thời buổi kinh tế khó khăn, khách hàng thì ít mà người kinh doanh thì nhiều nên tôi càng bế tắc khi giá cả các loại thực phẩm, xăng dầu, thậm chí cả giá gas cũng tăng lên nhanh chóng. Nếu không tăng giá các mặt hàng đang bán thì tôi làm chỉ đủ hòa vốn, hầu như không có lãi còn nếu tăng giá thì tôi sẽ mất đi một lượng khách hàng. Do đó, tôi rất đau đầu mỗi khi phải tính toán chuyện này”.

Dự báo xu hướng tăng giá có thể sẽ còn tiếp diễn

 Từ ngày 1/3, giá gas bán lẻ tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng mức tăng 42.000 đồng mỗi bình 12kg, theo đó giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 524.500 đồng/bình 12kg, 1.965.000 đồng/bình 45kg, 2.184.500 đồng/bình 50kg... Cùng ngày, Liên bộ Công Thương - Tài Chính cũng tăng giá bán lẻ xăng dầu thêm gần 600 đồng/lít, đưa giá xăng RON95-III lên mức 26.834 đồng/lít.

Việc xăng, gas đồng loạt tăng giá không chỉ khiến các hộ dân bị ảnh hưởng mà các chủ hộ kinh doanh ăn uống cũng lao đao bởi chi phí nhà hàng đội lên cao. Chị Nguyễn Thị Thư - chủ kinh doanh quán phở Cường tại Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng quán sử dụng khoảng 5-6 bình gas loại 12kg.

Tháng 1/2022, tôi mua mỗi bình gas loại 12kg chỉ khoảng 430.000 đồng, nay phải mua với giá 502.000 đồng/bình, mỗi bình gas này đã tăng thêm khoảng hơn 70.000 đồng, kéo theo chi phí mua gas 1 tháng lên gần 4 triệu đồng/tháng”.

Không chỉ các hộ dân mà ngay cả các cơ sở kinh doanh hàng ăn cũng bị ảnh hưởng lớn từ việc tăng giá xăng, gas

Tương tự, nhiều chủ quán kinh doanh hàng ăn uống cũng cho rằng hiện nay hầu hết các cửa hàng kinh doanh ăn uống đều sử dụng bếp gas. Vì vậy, khi giá gas tăng mạnh lên mức hơn 500.000 đồng/bình 12kg và 1,9 triệu đồng/bình 45kg khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Trước tình trạng xăng dầu, gas và thực phẩm tăng giá đã khiến một số cửa hàng kinh doanh hàng bún, cháo, phở... điều chỉnh giá bán tăng lên từ 5000 đồng đến 10.000 đồng/bát để bù vào chi phí đầu vào tăng cao.

Theo chị Nguyễn Thị Thư, hiện đa phần kinh tế của người dân đều khó khăn nên việc hàng ăn tăng giá trong thời điểm này là điều rất áy náy nhưng nếu không điều chỉnh lại giá bán, rất khó có lãi, thậm chí có thể lỗ vì mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng giá.

“Tâm lý chung của chủ các cửa hàng dịch vụ ăn uống có hai cách để giảm bớt gánh nặng vật giá leo thang. Thứ nhất là tăng giá bán để giữ nguyên chất lượng. Thứ hai là giảm bớt nguyên liệu và giữ nguyên giá bán. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng sẽ lựa chọn tăng giá, thay vì rút đi nguyên liệu bởi nếu lựa chọn theo cách thứ hai, người sành ăn tinh ý nhận ra, dễ bị mất khách”, chị Thư nói rõ.

Giá xăng, dầu, gas đồng loạt tăng mạnh trong bối cảnh nhiều địa phương đang đẩy mạnh các hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Theo dự báo của các chuyên gia thì xu hướng tăng giá này có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Vì vậy, việc sử dụng tiết kiệm nhiên liệu cần tiếp tục được doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm thực hiện triệt để hơn nữa.

 Khắc Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-loay-hoay-trong-con-bao-tang-gia-xang-gas-191066.html