Người dân Thủ đô đồng lòng đẩy lùi COVID-19

20/07/2021 10:29

Kinhte&Xahoi Ngay trong ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng Công điện số 15 về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, chỉ ra ngoài khi cần thiết; các tuyến phố vào giờ cao điểm đã vắng hơn những ngày trước…

Tại một số tuyến phố, lượng người tham gia giao thông ít hơn hẳn so với cùng giờ trước đây.

Người dân đồng lòng chống dịch

Ngay trong ngày đầu thực hiện Công điện số 15, khu vực trung tâm Hà Nội vắng vẻ, không còn cảnh đông người đạp xe, tập thể dục. Các tuyến phố thường ngày đông đúc nay cũng không còn cảnh ùn tắc. Lượng người di chuyển trên một số tuyến đường vốn có mật độ đông như: Phạm Hùng, Tố Hữu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi đã giảm bớt. Khu vực chợ Bưởi trên đường Hoàng Hoa Thám cũng không còn cảnh người dân đi mua cây hoa đông đúc như trước. Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, lực lượng công an và dân phòng luôn túc trực để nhắc nhở người dân không tập thể dục và đạp xe, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (Đống Đa) cho biết, sau khi Chủ tịch TP Hà Nội ban hành Công điện 15, phường đã thành lập 10 tổ công tác của phường ra quân “đi từng ngõ, gõ từng cửa hàng” để nhắc nhở về việc đóng cửa theo quy định. Hầu hết người dân đều có ý thức chấp hành và nhận thức được tầm quan trọng của việc chống dịch. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa, các nhà hàng bán đồ ăn treo biển “Chỉ bán mang về”. Đa phần người dân tuân thủ quy định phòng chống dịch như đeo khẩu trang.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (chủ cửa hàng tạp hóa, phố Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa) chia sẻ, bên cạnh việc thực hiện khuyến cáo về việc đeo khẩu trang bắt buộc, sát khuẩn tay trước khi vào cửa hàng, ông còn chủ động không bán một số sản phẩm không thiết yếu như: rượu, bia, thuốc lá… để hạn chế người đến mua. “Chúng tôi nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của chính quyền để chung tay đẩy lùi dịch, đó cũng là hành động góp phần sớm khống chế dịch, sớm ổn định công việc trở lại”, ông Ngọc nói.

“Lần này dịch lây lan nhanh, số người nhiễm trên cả nước quá cao, đặc biệt là trong TP HCM nên Hà Nội quyết định như vậy là hoàn toàn chính xác. Mặc dù phải đóng cửa hơn 1 tháng để phòng, chống dịch nhưng tôi vẫn nhất trí với cách làm này. Mỗi người hy sinh một chút thì xã hội sẽ bình yên”, chị Vũ Thị Lanh (quận Cầu Giấy), chủ một cửa hàng cắt tóc, gội đầu chia sẻ.

Không thiếu hàng hóa

Ngày 19/7, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện siết chặt các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 cũng đã xuất hiện hiện tượng hết hàng cục bộ ở một số siêu thị. Tuy nhiên, Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, Hà Nội đã đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tình huống có thể xảy ra.

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) phân phối đã chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3-5 lần tại các kho hàng và tại các kho ở siêu thị, sẵn sàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô. Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán vào thời điểm này, không để đứt gãy, thiếu hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho người dân. Đồng thời bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm; DN sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng có nhu cầu tăng cao.

Cụ thể, các DN đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 (phương án dự trữ hàng cao nhất) của Sở Công Thương Hà Nội trong thời gian 3 tháng với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu), và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẵn sàng huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện, cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán, đề nghị Tổng Công ty Vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các DN đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới các điểm bán trên toàn thành phố. Hiện, Sở cũng đã chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ cho các DN khi tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí về logictic.

Ở diễn biến liên quan, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc cho hay, ngay từ đầu mùa dịch, đặc biệt trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19, hệ thống VinMart đã tăng cường chuẩn bị các kịch bản đảm bảo chuỗi cung ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Riêng tại Hà Nội, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần nhằm đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ tại tất cả các điểm bán.

 Nhóm PV - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguoi-dan-thu-do-dong-long-day-lui-covid-19-d161117.html