Người dân vui mừng khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô

16/06/2022 18:02

Kinhte&Xahoi Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Quốc hội thông qua sáng 16/6. Đông đảo Nhân dân đón nhận thông tin này đều bày tỏ sự vui mừng và kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Dự án tạo ra nhiều đột phá

Với 474/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95.18%), sáng 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, đầu tư khoảng 112,8km, chia thành 7 dự án thành phần. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành...

Về tiến độ thực hiện, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sáng 16/6

Việc Quốc hội thông qua dự án quan trọng này khiến người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận vui mừng, kỳ vọng vào dự án được triển khai đúng tiến độ.

Trước đó, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, địa phương khẳng định, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là hết sức cần thiết và cấp bách, từ đó tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cùng với dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí quan trọng đối với 2 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta, đóng góp rất lớn đối với cả đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang bị chững lại do các điểm nghẽn, đặc biệt về quy hoạch không gian của đô thị cũng như hạ tầng giao thông, với vấn đề lớn nhất hiện nay là tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Do đó, nếu không giải quyết ngay thì không chỉ cản trở sự phát triển mà chúng ta sẽ phải trả giá rất nhiều về cả thời gian và công sức, tiền bạc.

"Ví dụ, các Thủ đô của thế giới như Bangkok (Thái Lan) đã phải mất 20-30 năm để giải quyết vấn đề ách tắc, đến nay mới chỉ khắc phục được một phần; với Manila (Philippines) - thành phố đóng góp 30% GDP của Philippines, nhưng tính riêng tắc nghẽn giao thông của Manila đã làm giảm tương ứng 8% của GDP đối với Philippines. Những ví dụ này cho thấy vấn đề hạ tầng giao thông của 2 vùng này, đặc biệt là của Vùng Thủ đô Hà Nội là hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Có thể khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị dự án, đặc biệt lần này Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương có thể thực hiện được đồng bộ, đồng loạt rất nhiều dự án giao thông quan trọng, mở ra sự phát triển trong thời gian tới.

Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khuất Việt Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) bày tỏ: Có thể khẳng định, chủ trương dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là dự án chúng ta đột phá vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, 1 trong 3 đột phá mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khuất Việt Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội)

Khi tạo đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời chúng ta tạo ra cơ hội cũng như dư địa để thực hiện đột phá về thể chế, đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, dự án cần các cơ chế đặc biệt, đều cần điều chỉnh lại các luật, nghị định, thông tư để thực hiện; qua đó huy động được các nguồn nhân lực để thực hiện các dự án giao thông hiện đại này, kèm theo cả về vật tư, cả về quản lý thì sẽ đào tạo được một đội ngũ nhân lực cả trong và ngoài nhà nước.

Về ngắn hạn, dự án sẽ tham gia vào việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, tạo ra doanh thu cho một khối lượng rất lớn các doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Về dài hạn, sau khi hoàn thành dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cùng với dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ tạo ra cơ sở để các ngành và các địa phương bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc để thực hiện dự án

Thông tin dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được thông qua cũng được đông đảo người dân quan tâm. Dự án cũng thể hiện được sự đồng thuận, nhất trí cao giữa Nhà nước, các đại biểu quốc hội và nhân dân.

Anh Nguyễn Minh Quang (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Tôi vốn là người thường xuyên lái xe đi giao hàng, không những ở Hà Nội mà nhiều tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang... Sau khi dự án Vành đai 4 được thông qua và triển khai sớm, tương lai công việc giao hàng của tôi sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Trong bối cảnh giá xăng tăng, việc giao thông thuận tiện, nhanh chóng, quãng đường được rút ngắn luôn là mong muốn của những người tài xế đường dài liên tỉnh như chúng tôi. Trước kia khi thường xuyên di chuyển trên tuyến đường Vành đai 3 tôi hay gặp cảnh tắc đường, xe tải, xe container xếp hàng dài và nguy hiểm, mất an toàn. Nếu đường Vành đai 4 khởi công và sớm đưa vào sử dụng sẽ vừa giảm tải vừa giảm kẹt xe, lại thêm giảm tình trạng tai nạn giao thông là điều mà nhân dân đều mong mỏi".

Vừa là hành lang giao thông vừa là hàng lang kinh tế, đường Vành đai 4 có vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đi qua gồm Hà Nội và các tỉnh lân cận mà còn là tiền đề, điều kiện cần để kêu gọi đầu tư, phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các khu vực có tuyến đi qua, nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh dọc theo hai bên đường.

Các địa phương trong vùng dự án đã cam kết bố trí đủ nguồn lực theo phân cấp để đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra thể hiện có sự đồng lòng, quyết tâm của các địa phương.

Việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với năng lực thông hành lớn góp phần giảm tình trạng ùn tắc cho tuyến đường Vành đai 3. Ảnh: Đỗ Tâm

Đặc biệt trong thời điểm, Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận đang "bức tốc" phục hồi kinh tế sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Dự án đường Vành đai 4 cũng sẽ là cơ hội tạo việc làm, cơ hội để người dân vùng ngoại thành Thủ đô thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán, phát triển du lịch làng nghề; thuận tiện trong việc đi lại từ vùng ven Hà Nội vào khu vực trung tâm.

Chị Nguyễn Thanh Hà (Sóc Sơn, Hà Nội) bày tỏ: "Sau hơn 10 năm, người dân mong mỏi đến nay Hà Nội và các tỉnh liên quan mới có cơ hội hiện thực hóa dự án Vành đai 4. Đây là dự án chúng tôi rất hoan nghênh khi Quốc hội thông qua chủ trương và mong các cơ quan sớm triển khai. Vành đai 4 xứng tầm với khu vực cũng như quốc tế; Phát triển cả vùng kinh tế và xã hội, mang lại hiệu quả cao, nâng tầm vị thế vùng kinh tế trọng điểm. Vành đai 4 khi đưa vào triển khai cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm, phát triển kinh tế cho người dân sau khi trải qua hai năm dịch bệnh nhiều ảnh hưởng. Dự án này cũng sẽ góp phần giải quyết 2 vấn đề lớn nhất hiện nay của Hà Nội hiện nay là tắc nghẽn giao thông và ngập úng".

Việc triển khai các dự án này mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp, gián tiếp to lớn, do có thêm hàng nghìn ha đất trở thành "đất vàng"; có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học…

Phương Thu  - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-vui-mung-khi-quoc-hoi-thong-qua-chu-truong-dau-tu-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-198814.html