Người Hà Nội đổ ra đường đêm Trung Thu: "Đừng để thành quả bước đầu của Thủ đô uổng phí vì sự chủ quan"

22/09/2021 19:13

Kinhte&Xahoi Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, việc người dân đổ xô ra đường sau giãn cách, nhất là hàng nghìn người tập trung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đón Trung Thu vào tối qua là khó chấp nhận.

Hàng nghìn người dân đổ dồn về khu vực Hoàn Kiếm đêm Trung thu

Trao đổi với ANTĐ, ông Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội vẫn đang có những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, mầm bệnh vẫn chưa được quét sạch, việc người dân đổ xô ra đường, tập trung đông người cho thấy ý thức vô cùng chủ quan, coi thường dịch bệnh.

“Có thể nhiều người dân nghĩ đã được tiêm vaccine Covid-19 nhưng ngay cả khi tiêm đủ 2 liều vaccine thì cũng không có nghĩa là không bị nhiễm bệnh nữa và vẫn có nguy cơ lây bệnh bình thường.

Thế nên chỉ cần trong biển người đi chơi Trung thu đó có 1 ca dương tính thì nguy cơ lây lan rất lớn, có thể khiến thành quả chống dịch của cả thành phố thời gian qua đổ sông đổ bể” – ông Tuấn nói.

Vấn đề nữa là không chỉ người dân chủ quan mà chính quyền, hệ thống phòng dịch ở cơ sở cũng có dấu hiệu chủ quan.

“Ngay từ khi quyết định nới lỏng giãn cách xã hội từ 6h sáng 21-9, tức đúng ngày Trung thu, chúng tôi đã cảnh báo về việc người dân có thể đổ xô ra đường chơi Trung thu nên cần phải kiểm soát chặt, từ các phường xã phải tuyên truyền, từ các ngõ, phố phải kiểm soát người ra ngoài… Việc để tụ tập đông người như vậy thực sự rất đáng lo ngại” – Phó Giám đốc CDC Hà Nội nói.

Cũng theo đại diện CDC Hà Nội, do nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn còn phức tạp nên Hà Nội chỉ mới nới lỏng giãn cách từng bước, chuyển từ thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 chứ không phải là bỏ giãn cách, mở cửa toàn bộ.

Theo đó, người dân được yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Thành phố vẫn tiếp tục kêu gọi người dân chỉ ra đường khi có việc cần thiết.

“Thế nên, việc hàng nghìn người đổ về các tuyến phố trung tâm Hà Nội để đi chơi nhân dịp Tết Trung thu và “xả hơi” sau 2 tháng giãn cách xã hội, khiến hàng loạt tuyến phố trung tâm ở khu vực Hoàn Kiếm ùn tắc, đông nghẹt… là vi phạm quy định của thành phố” – ông Tuấn nói thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho rằng, việc hàng nghìn người tụ tập đông người đón trung thu ở khu vực trung tâm Hà Nội là những hình ảnh rất khó chấp nhận, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương giãn cách xã hội, dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà thành phố đang thực hiện.

Ông Phu nhấn mạnh, nới lỏng giãn cách là việc phải làm nhưng khi Hà Nội nới lỏng giãn cách thì chính quyền, người dân, cơ quan chức năng càng phải cảnh giác cao độ, tuân thủ nghiêm 5K của Bộ Y tế, hạn chế đến mức thấp nhất việc gặp gỡ, tụ tập và nên ở trong nhà.

Ông Phu cũng nhấn mạnh nếu người dân ra đường để đi làm, đi sản xuất thì có thể thông cảm, nhưng nếu để giải trí, đi chơi thì chính quyền thành phố cần có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn những hoạt động này tái diễn.

Thậm chí, vị chuyên gia này cho rằng Hà Nội cần chỉ đạo rà soát ngay trường hợp ho, sốt từng đi chơi Trung thu vào đêm qua để sàng lọc. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có biện pháp quản lý, điều tiết người ra đường hợp lý ở các tuyến trung tâm, hạn chế tình trạng tụ tập đông người tái diễn như thời điểm tối 21-9.

Về vấn đề trên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, Hà Nội vẫn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Và một trong những nguy cơ đó chính là sự chủ quan của cả một số cơ quan quản lý và của người dân.

Việc tối Trung thu người dân đổ ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, là thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Rất đáng trách là rất nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng.

"Vì xảy ra việc này, thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô đứng trước thách thức rất lớn. Tôi mong rằng mọi người dân hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế.

Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan" - Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ.

 Duy Tiến - ANTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://anninhthudo.vn/nguoi-ha-noi-do-ra-duong-dem-trung-thu-dung-de-thanh-qua-buoc-dau-cua-thu-do-uong-phi-vi-su-chu-quan-post481192.antd