Cùng dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Đại diện lãnh đạo các ban, Bộ, ngành; Lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực quốc gia. Dự hội nghị tại các điểm cầu 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các Sở, ngành, cơ quan báo chí của địa phương.
Quang cảnh hội nghị
Truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Từ đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho Nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Nhấn mạnh, hội nghị có mục tiêu là làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; Tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước... Thủ tướng yêu cầu hội nghị lắng nghe xem chính sách còn sơ hở, vướng mắc điểm nào.
“Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu đề dẫn
Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT )Nguyễn Thanh Lâm cho biết ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương ở vị trí trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành.
Điển hình gần đây phải kể đến những thành quả rõ rệt của công tác phòng chống đại dịch COVID-19, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông chính sách ở Trung ương và các địa phương, với nhiều sáng kiến, cách làm có tính đột phá, mang lại hiệu quả ổn định xã hội, ổn định tâm lý người dân, giúp các tầng lớp Nhân dân tin tưởng và ủng hộ các nỗ lực của hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, đưa xã hội trở về trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở Trung ương. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số Bộ, ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Đại biểu dự tại các điểm cầu
Đáng kể, gần đây nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông (trong đó có vụ việc trở thành "sự cố truyền thông", ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh...) có nguyên nhân xuất phát một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính Nhà nước.
Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…
Bên cạnh đó, báo chí truyền thống đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng. Các mạng xã hội xuyên biên giới, với công nghệ hiện đại, tài chính dồi dào và lượng người dùng áp đảo đang chiếm ưu thế trong việc kiểm soát phân phối thông tin dựa trên phân tích dữ liệu người xem và các thuật toán để gợi ý nội dung phù hợp đến từng người sử dụng.
Đo lường hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức khác nhau
Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ TT&TT đề xuất một số giải pháp, kiến nghị. Trong đó: Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách (từ khâu hoạch định, ban hành và thực thi chính sách). Thủ tướng Chính phủ cần ban hành Chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này.
Phải có công cụ đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức khác nhau. Nhà nước cần có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đã làm rõ các kết quả trong truyền thông chính sách tại các Bộ ngành, đồng thời, thảo luận, đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách như: Kiện toàn tổ chức; Chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách; Khắc phục tâm lý e ngại góp ý, phản biện về dự thảo chính sách; Hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ truyền thông chính sách...
Các ý kiến cũng thống nhất truyền thông phải luôn đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội; Đồng thời khẳng định, báo chí có sứ mệnh truyền thông, khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí là phương tiện truyền thông, còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Tuy nhiên hiện nay, báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền.
Chính quyền các cấp cần có sự thay đổi nhận thức về công tác truyền thông, coi truyền thông là một chức năng quan trọng của chính quyền, trực tiếp làm chủ công tác truyền thông, bổ sung các nguồn lực cho truyền thông. Có như vậy thì chất lượng truyền thông chính sách sẽ có sự thay đổi căn bản về chất. Các cơ quan báo chí cũng sẽ có động lực mới, nguồn lực mới để làm tốt hơn truyền thông chính sách của chính quyền các cấp.
Tú Linh- TTTĐ