Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: An Đăng
Những tín hiệu giúp kinh tế khởi sắc trở lại
Sau khi bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội trong tháng 4/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 5 bật tăng 11% so với tháng 4. Doanh số bán lẻ cũng phục hồi mạnh. Vận tải hành khách và hàng hóa tăng lần lượt 116% và 32% trong tháng 5 so với tháng 4. 5 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 197 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục có mức xuất siêu 1,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thâm hụt 256 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Du lịch trong những ngày qua đã khởi sắc. Hàng loạt các địa phương đã bắt tay liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các hãng hàng không giá rẻ. Thị trường bất động sản Việt Nam đang dần khởi sắc. Chủ tịch HĐQT BHS Group Nguyễn Thọ Tuyển chia sẻ: Một số dự án như Vinhomes Ocean Park (trung bình bán 150 căn/tuần), Sky Oasis - Ecopark (bán 800 căn), Legacy Hill Hòa Bình (trên 100 căn được đặt/tuần), Citadines Marina Hạ Long (250 căn trong 15 ngày mở bán)...
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chỉ sau Trung Quốc nhưng hiện là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ này. 2 TP lớn, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã quay trở lại nhịp sống bình thường sau thời gian phải phong tỏa một phần nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Cam kết với Thủ tướng, lãnh đạo hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm rất cao sẵn sàng phục hồi mạnh sau khi dịch được kiểm soát.
Lãnh đạo các địa phương đánh giá rất cao sự điều hành của Chính phủ trên cả hai mặt trận, có niềm tin rất lớn vào các giải pháp mà Chính phủ đã, đang và sẽ ban hành có thể giúp cuộc sống Nhân dân và nền kinh tế vượt qua khó khăn. Những ngày qua cũng chứng kiến hàng loạt các tỉnh, TP tổ chức xúc tiến đầu tư, du lịch, kích cầu đầu tư, tiêu dùng…
Phấn đấu tăng trưởng 5% hoặc cao hơn
Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới 2020” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 14/4 nhận định, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN, đồng thời tin tưởng nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á sẽ nhanh chóng phục hồi lên mức 7% vào năm 2021. Báo cáo nhìn nhận, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn giữ được “phong độ” là 1 trong 5 thị trường có tiềm tăng nhất của khu vực và thế giới nhờ dân số trẻ và thu nhập của người dân đang tăng lên với khoảng 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm. Nhiều nhà phân tích dự đoán EVFTA sẽ góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng mức mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione nhận định, ngoài tác động tiêu cực, Covid-19 cũng mang lại cơ hội mới cho Việt Nam. Đó chính là thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số thông qua phát triển chính phủ điện tử, học tập trực tuyến, thanh toán trực tuyến… Về trung hạn và dài hạn, xét về cung, động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, là đầu tư công. Xét về cầu, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu nội địa sẽ là động lực quan trọng bảo đảm tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, nền kinh tế Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề và đối mặt với nguy cơ suy giảm, trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm được Quốc hội quyết nghị là 6,5%. Đứng trước thực tế đó, Chính phủ điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng xuống còn 5% cho phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế. Và bằng sự nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, năm đó, tăng trưởng GDP của cả nước đã đạt 5,32%, cao hơn mục tiêu điều chỉnh.
Năm 2020, mức tăng trưởng GDP 5% hoặc cao hơn là quan trọng và cần thiết, bởi với một nền kinh tế có quy mô nhỏ như Việt Nam, đó là mức tăng trưởng hợp lý để nền kinh tế có thể bảo đảm được các cân đối vĩ mô, đặc biệt trong bảo đảm việc làm cho người dân.
Chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh
|