Những "chiến binh” bảo vệ môi trường trong đại dịch Covid-19

10/08/2021 20:49

Kinhte&Xahoi Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với đặc thù công việc, những công nhân vệ sinh môi trường Hà Nội vẫn ngày đêm miệt mài thu gom rác thải trên các tuyến đường, tại các khu dân cư, khu cách ly… bất chấp việc đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Bởi họ hiểu được rằng, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch chính là hành động chung tay, góp sức phòng, chống dịch bệnh.

Nghề nguy hiểm trong dịch bệnh

 Hà Nội đã và đang trải qua những ngày thực hiện giãn cách xã hội, tuy không trực tiếp tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 nhưng các công nhân vệ sinh môi trường lại là những chiến binh thầm lặng luôn có mặt tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện, khu dân cư phong tỏa… Không chỉ thu gom rác tại các hộ gia đình, mà hàng ngày họ cũng đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao để thu gom rác. Áp lực đè nặng lên vai nhưng có lẽ các công nhân môi trường chưa bao giờ cảm thấy nản lòng bởi những gì họ đã làm cho cộng đồng.

Những ''chiến binh'' áo xanh lặng lẽ làm sạch phố phường Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội (Ảnh chụp 7 giờ sáng ngày 10/8 tại phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội).

Tại khu cách ly tập trung trường Đại học FPT Hòa Lạc, bên trong những thùng chứa là đủ các loại rác thải của hàng trăm người hiện đang cách ly tập trung. Anh Tạ Văn Duẩn, nhân viên Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Đơn vị thành viên của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị - Urenco Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây chúng tôi cũng từng tham gia thực hiện thu gom và xử lý chất thải của rất nhiều đợt dịch như dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi,… Song, chưa bao giờ chúng tôi trải qua đợt đại dịch như bây giờ, đặc biệt là với tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19”.

Theo anh Tạ Văn Duẩn, thêm người bệnh cũng đồng nghĩa số lượng rác cũng gia tăng thêm bấy nhiêu. “Hiện tại, khối lượng việc của các công nhân thu gom rác thải gấp 2 - 3 lần so với ngày bình thường trước kia. Chúng tôi phải tăng ca, tăng kíp, tăng số chuyến vận chuyển, thậm chí làm tới tận đêm để đảm bảo thu gom hết khối lượng rác phát sinh tại các khu vực cách ly. Dù mặc quần áo bảo hộ đầy đủ nhưng trong thâm tâm vẫn rất sợ, khử khuẩn rồi nhưng có lây vào mình hay không thì không thể biết rõ được” - anh Tạ Văn Duẩn cho hay.

Với số lượng rác thải nguy hại phát sinh ngày càng tăng từ các khu cách ly tập trung mỗi ngày, các đơn vị môi trường trên địa bàn TP phải tăng ca và huy động thêm cả phương tiện vì mọi phế thải tại đây nếu không được vận chuyển, xử lý kịp thời sẽ là mầm bệnh đối với cả cộng đồng.

Thường xuyên giáp mặt với rác, trong thời gian hơn 10 tiếng một ngày, nguy cơ lây nhiễm không chỉ đến từ trong khâu thu gom mà còn tiềm ẩn ngay trong quá trình xử lý. Bởi trước khi đưa rác vào lò hấp, mọi công đoạn vẫn cần đến bàn tay của những người lao động đang làm việc trực tiếp tại các khu xưởng.

Dù không phải dọn rác trong các khu cách ly nhưng với những người thu gom rác thải sinh hoạt như chị Phạm Thị Thanh Hương - công nhân tổ môi trường 6, Urenco Hà Nội, chi nhánh Đống Đa, nỗi lo dịch bệnh lúc nào cũng thường trực. “Bình thường, nghề của chúng tôi vẫn hay phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Trong mùa dịch Covid-19 này, nguy cơ này càng lớn hơn. Nói không lo thì không đúng, nhưng nếu lo mà không đi làm thì rác thải ùn ứ lại càng nguy hiểm hơn.

Nhất là khi ý thức của nhiều người dân vẫn chưa được tốt. Nhiều người còn tùy tiện vứt khẩu trang, khạc nhổ xuống đường. Một số người dân "hạn chế tiếp xúc" nên thường vứt rác trước cửa nhà hoặc trong các góc phố chứ không mang ra đổ trực tiếp như ngày thường. Vì vậy, công nhân môi trường khá vất vả khi phải đi tới tận nơi, đến trước cửa từng nhà để thu gom rác.

Chúng tôi đành nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm túc các quy định để tự bảo vệ mình, đồng thời tuyên truyền vận động Nhân dân đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định, nhất là khi mang rác phải buộc kín túi nilon vì có nhiều trường hợp f1, f2 tại các khu dân cư” - chị Phạm Thị Thanh Hương tâm sự.

Không chỉ bất an với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh mà còn có những hiểm nguy luôn trực chờ của nghề thu gom rác như tai nạn giao thông hay có thể gặp cướp giữa đêm vắng là sự việc đáng tiếc vừa xảy ra mới đây. Thấu hiểu nỗi lòng của anh, chị em đồng nghiệp, chị Nguyễn Thanh Vân, Tổ trưởng tổ sản suất số 8, Urenco Hà Nội, chi nhánh Ba Đình chia sẻ: “Anh em công nhân chúng tôi nhiều lúc cũng nản, cũng sợ, những lúc như vậy tôi chỉ biết tự động viên mọi người cùng nhau cố gắng, với vai trò tổ trưởng tôi còn có trách nhiệm truyền lửa và tiếp thêm sức mạnh cho các anh em trong tổ để thực hiện nhiệm vụ, dù khó khăn, vất vả nhưng vì miếng cơm manh áo, vì trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.”

Hà Nội những ngày đầu tháng 8 nóng nực, trên những con phố vắng lặng vẫn có những con người cần mẫn làm sạch phố phường

An toàn phòng dịch là trên hết

 Được biết, Urenco Hà Nội là đơn vị duy trì vệ sinh môi trường tại 16/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Theo đại diện lãnh đạo Urenco, do người lao động của công ty thường xuyên phải ra đường, tiếp xúc với nhiều người, với nguồn chất thải, nên việc phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Lãnh đạo công ty đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giữ an toàn cho người lao động.

Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe cho công nhân vệ sinh môi trường, việc ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng đã và đang được nhiều địa phương, đơn vị thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, người lao động đều an toàn, đa phần công nhân làm việc trực tiếp đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Tuy nhiên, xác định cuộc chiến chống Covid-19 còn kéo dài với nhiều gian nan, thử thách mới, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của công nhân vệ sinh môi trường, cán bộ, công nhân Urenco đều bày tỏ mong muốn người dân trên địa bàn Thủ đô nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường trong mùa dịch, nhằm hạn chế tối đa sự lây lan cũng như bớt đi phần nào vất vả cho những người công nhân môi trường.

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, khó khăn lớn nhất trong thời điểm này là sự nguy hiểm từ rác do người dân thải ra tại các khu dân cư vì rất khó phân biệt nếu người dân không có ý thức trong việc phân loại rác, khi hiện nay trên địa bàn TP xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng động.

"Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho công nhân vệ sinh môi trường - những "chiến binh" thu gom, cần phải phân vùng thu gom rõ ràng hơn, như vùng đang có phong tỏa, cách ly và những vùng xanh. Các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, có giải pháp đặc biệt, đặc thù đảm bảo nguồn rác phải được xử lý an toàn nhằm hạn chế tối đa nhất sự lây lan dịch bệnh" - PGS.TS Bùi Thị An đề xuất.

"Chúng tôi mong người dân có ý thức hơn trong việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Cùng với đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tuyên truyền và có những biện pháp mạnh mẽ để người dân nghiêm túc thực hiện để giảm thiểu rủi ro trong dịch bệnh " -Chị Nguyễn Thanh Vân - Tổ trưởng tổ sản suất số 8, Urenco Hà Nội, chi nhánh Ba Đình chia sẻ. 

 Hà Ánh - KTĐT

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/cong-nhan-ve-sinh-nhung-chien-binh-bao-ve-moi-truong-trong-dai-dich-covid-19-430613.html