Những dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty APEC Thái Nguyên

20/07/2021 07:28

Kinhte&Xahoi Thanh tra Chính phủ đã đề nghị giao UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên.

Vào tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 01/01/2010 – 31/12/2018).

Thông báo của Thanh tra Chính phủ đã nêu ra loạt vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Trong số các trường hợp vi phạm, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị giao UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Dự án của Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên liên quan đến vi phạm

Được biết, Thanh tra Chính phủ đã nêu hai dự án tại tỉnh Thái Nguyên liên quan đến Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên. Cụ thể, tại Dự án khu dân cư số 5, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên đã được chỉ ra có nhiều vi phạm.

Phối cảnh dự án Khu dân cư số 5, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên do Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

Theo đó, việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu giá quyền sử đụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn Chủ đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2003.

Dự án thực hiện cơ chế thanh toán tiền đâu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư cho nhà đầu tư bằng việc bù trừ tiền thu cấp quyền sử đụng đất đã có hạ tầng (thực chất là giao đất của thu tiền sử đụng dất để thực hiện dự án Khu dân cư số 5, phường Túc Duyên).

“Trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên”, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Phần diện tích 4,12 ha, tổng số 251 ô đất, trong đó: có 6 ô tái định cư (từ ô 37 đến ô 42) với diện tích 492,62 m2 còn lại 245 ô, Công ty đã thực hiện chuyển nhượng (hiện trạng đã xây dựng nhà kiên cố).

Khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính là vi phạm khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng đất.

Việc UBND tỉnh đối trừ số tiền hơn 42,5 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị vào các tiền sử dụng đất không có cơ sở theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử đụng đất và Điều 3 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính.

Phần diện tích Công ty đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng là 3,23 ha, nằm trong tổng diện tích 15,364 ha bị thu hồi theo Quyết định số 3276/QĐ-UBND ngày 25/11/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên hiện nay đã có một số ô xây dựng nhà kiên cố với tổng diện tích 10.078,1 m2 là vi phạm Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm này thuộc Chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành có liên quan.

Cổng vào KCN Điềm Thụy Thái Nguyên (Ảnh: Vneconomy)

Tại kết luận trên, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những vi phạm tại Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Điềm Thụy - Khu B (phần diện tích 170 ha).

Thanh tra Chính phủ cho biết, việc phê duyệt giá đất thô chưa có cơ sở hạ tầng để cho thuê tại Quyết định số 2157 QĐ-UBND ngày 30/9/2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên là chưa đúng quy hoạch chỉ tiết tại Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 18/5/2009 của UBND tỉnh và Giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm điện tích đất trung tâm điều hành, dịch vụ (=2,31%) và đất nhà máy, kho tàng ( 63,49%), tổng cộng là 1.118.600 m2 (=65,8%), làm giảm tổng giá trị phát triển khu đất.

Tổng giá trị tiền thuê đất do tính thiếu là hơn 4,67 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên là cơ quan chủ trì xác định, trình Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh, UBND tỉnh quyết định phê duyệt.

Tiến độ dự án chậm 75 tháng theo Giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm pháp luật đất đai, thuộc trường hợp phải thu hồi đất của dự án theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

“Trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên và các đơn vi có liên quan”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị xem xét điều chỉnh, thu hồi Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy (Khu B diện tích 170 ha).

Ông chủ APEC Thái Nguyên là ai?

Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên được thành lập vào tháng 6/2009, có trụ sở tại tổ 11, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên. 

Cập nhật mới nhất đến tháng 1/2021, người đại diện pháp luật của Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên là ông Đinh Quốc Đức (Sinh năm 1979), hiện ông Đinh Quốc Đức đang nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc tại công ty này.

Về hoạt động đầu tư tại Thái Nguyên, Công ty CP đầu tư APEC Thái Nguyên ngoài đầu tư Dự án khu dân cư số 5, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên còn là chủ của Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Điềm Thụy - Khu B (phần diện tích 170 ha); Tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và văn phòng cho thuê tại Ngã ba Bắc Nam, tổ 22, phường Gia Sàng với quy mô 5,1 ha với tổng vốn đầu tư 136 tỷ đồng.

Tại lần đăng ký thay đổi hồi tháng 2/2021, Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên có vốn điều lệ 100 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập, bao gồm Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API) sở hữu 84%; Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) sở hữu 15%. Hai cổ đông còn lại là ông Nguyễn Duy Khanh và ông Nguyễn Đỗ Lăng.

API và APS là các công ty thành viên nằm trong "hệ sinh thái" của APEC Group.

Trên thực tế, cả API và APS đều là các công ty thành viên của Công ty CP Tập đoàn APEC Group (APEC Group) - có địa chỉ tại tầng 3, TTTM Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Không như nhiều tập đoàn lớn lựa chọn đầu tư bất động sản tại thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... APEC Group tập trung vào quỹ đất tại các tỉnh lẻ như Phú Yên, Ninh Thuận, Huế, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Tổng mức đầu tư các dự án thưởng ở quy mô khủng hàng nghìn tỷ đồng, có thể kể đến như APEC Golden Valley Mường Lò tại Yên Bái (quy mô 16 ha; tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng); Khu đô thị APEC Royal Park Huế (34,7 ha; 10.000 tỷ đồng); APEC Aqua Park Bắc Giang (8.927 m2; 1.600 tỷ đồng); APEC Mandala Wyndham Mũi Né (4,5 ha; 2.000 tỷ đồng); APEC Diamond Park Lạng Sơn (55.432 m2; 1.500 tỷ đồng); Khu công nghiệp APEC Đa Hội tại Từ Sơn, Bắc Ninh (34,5 ha; 1.200 tỷ đồng); Khu công nghiệp Điềm Thuỵ, Thái Nguyên (170 ha; 2.000 tỷ đồng)…

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin

Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/nhung-dau-hieu-vi-pham-phap-luat-cua-cong-ty-apec-thai-nguyen-d161085.html