Những người trẻ truyền cảm hứng sống đẹp

01/01/2022 18:26

Kinhte&Xahoi Vượt qua khó khăn, thách thức, bằng việc làm thiết thực hỗ trợ người xung quanh nhiều người trẻ đã lan tỏa tinh thần sống đẹp trong cộng đồng. Họ cũng là những tấm gương sáng giúp cuộc sống tươi đẹp hơn.

Bản lĩnh thủ lĩnh Đoàn ở Ô Quý Hồ

 Thào A Dê (sinh năm 1992), Bí thư Đoàn phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã viết lên câu chuyện đẹp về bản lĩnh và hành trình vượt khó vươn lên của anh.

A Dê chính là cậu bé người Mông bỏ học về nhà đi rừng trong bộ phim “Thung lũng hoang vắng” của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Năm 2001, khi đoàn làm phim đến xã Tả Giàng Phình (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa), nơi ở của A Dê, lấy bối cảnh quay bộ phim, anh được chọn làm một vai diễn phụ.

“Là đóng phim nhưng cũng là cuộc đời thực của mình. Vì nhà có đến 13 anh em nên bố mẹ không có điều kiện cho mình học chữ, bảo ở nhà đi rừng, làm nương để có cái ăn”, A Dê nhớ lại.

Thào A Dê tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 và phát khẩu trang cho người dân, trẻ em tại địa phương

Từ khi còn là cậu bé 6 tuổi, A Dê đã phải tự lên rừng kiếm sống, có khi đi cả tuần mới trở về nhà. Ước mơ được đến trường quá xa vời đối với A Dê nhưng khi tiếp xúc với đoàn làm phim, được khích lệ anh khao khát đi học. Sau nhiều ngày thuyết phục gia đình, A Dê được đến trường và bắt đầu hành trình một mình chiến đấu với “số phận”, để trở thành người đầu tiên ở Tả Giàng Phình thi đỗ đại học.

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, A Dê không ở lại thành phố để tìm cơ hội “đổi đời” mà nung nấu ý định về quê nghèo để thay đổi cách nghĩ, cách làm của lớp trẻ nơi đây, giúp bà con có cuộc sống tốt hơn. Anh nộp hồ sơ và trúng tuyển vào Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Sa Pa.

Vừa làm tốt chuyên môn vừa tích cực tham gia hoạt động tình nguyện nên sau hơn một năm, anh được điều chuyển làm Bí thư Ðoàn phường Ô Quý Hồ, trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã Sa Pa. Từ đó, anh có nhiều cơ hội để thực hiện khát vọng đổi mới quê hương.

A Dê tích cực kêu gọi từ cộng đồng thực hiện các dự án thiện nguyện để chăm lo cái ăn, cái mặc cho bà con vùng cao. Anh nhờ bạn bè, thầy cô và đồng hương học tập, sinh sống ở Hà Nội đi xin quần áo cũ gửi về Sa Pa và xây dựng tủ quần áo miễn phí trên địa bàn phường Ô Quý Hồ.

Tủ quần áo miễn phí dành cho bà con vùng cao của chàng trai Thào A Dê

“Mùa đông vùng cao rất lạnh, chỉ cần một chiếc áo khoác bông cũ hay chiếc khăn len nhỏ cũng khiến người dân nơi đây cảm thấy ấm lòng”, A Dê chia sẻ.

Từ ngày có tủ quần áo miễn phí, bà con đến nhận rất đông, nhất là vào mùa đông, có khi tới 60 - 70 lượt người đến lấy mỗi ngày. Không chỉ người dân trên địa bàn mà ở các xã khó khăn khác ở Sa Pa cũng đến nhận

Từ khát khao xây dựng bản làng ngày một phát triển, A Dê còn tiên phong trong phát triển kinh tế và hỗ trợ thanh niên lập nghiệp trên quê hương. Mô hình De Chu homestay của anh là không gian vui chơi ngoài trời và hỗ trợ các đoàn từ thiện, phục vụ khách có nhu cầu leo núi Ngũ Chỉ Sơn.

Năm 2020, mô hình này đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi "Sáng tạo khởi nghiệp của tỉnh Lào Cai". Sau đó, anh phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh để tăng thu nhập và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm có lãi khoảng 200 triệu đồng.

Nhiều thanh niên đã học tập A Dê phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.

24 tuổi 39 lần hiến máu

 Mới 24 tuổi nhưng Dương Ngô Trí (xã Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang) đã có tới 39 lần hiến máu tình nguyện, trong đó 22 lần anh hiến tiểu cầu cho những trường hợp nguy kịch.

Dương Ngô Trí tham gia hiến máu tình nguyện

Trí bén duyên với hiến máu tình nguyện rất tình cờ. Khi là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, anh nhận được lời kêu gọi hiến máu tính nguyện. Do chưa biết hiến máu tình nguyện là như thế nào nên Trí quyết định tham gia một lần cho biết.

Sau lần hiến máu ấy, Trí thấy mình khỏe khoắn hơn, lại quen biết được thêm nhiều bạn bè, đặc biệt nghĩ đến những giọt máu của mình có thể cứu sống được ai đó nên cảm thấy rất vui. Từ đó, cứ mỗi lần đủ sức khỏe và đảm bảo khoảng cách giữa các lần hiến máu, Trí đều tham gia.

Gần 4 năm qua, nghĩa cử trao giọt máu hồng đã thành thói quen đối với Trí. Mỗi năm đều đặn từ 5 - 6 đợt, anh tham gia các chương trình hiến máu tại trường, tỉnh. Không ít lần, Trí hiến máu nóng, tiểu cầu cho bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện

Trí kể: “Mùa hè năm 2018, mình nhận được điện thoại của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cần máu cho một ca cấp cứu bị tai nạn giao thông, đang trong tình trạng nguy kịch và nằm trên bàn mổ cấp cứu. Không nghĩ ngợi nhiều, mình lập tức lên đường góp phần cứu sống người bệnh”.

Dù đã hiến máu nhiều lần nhưng lần nào Trí cũng thấy hồi hộp. Tuy nhiên, cứ nghĩ giọt máu mình sẽ chảy trong một cơ thể khác đang cần là anh không còn sợ đau, sợ mệt và thấy hạnh phúc vì làm thêm được một việc tốt.

Không chỉ tham gia hiến máu ở các chiến dịch, Trí còn tham gia Câu lạc bộ máu Bắc Giang, ngân hàng máu sống, tích cực tuyên truyền, tư vấn, vận động mọi người về lợi ích khi hiến máu. Với Trí mỗi lần trao đi giọt máu là nhận lại niềm vui khi được hỗ trợ cộng đồng.

Với những việc làm thiết thực cả Thào A Dê và Dương Ngô Trí đều được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2021.

Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TCPVN tổ chức.

Năm 2021, Ban tổ chức đã nhận được 134 hồ sơ của 61 tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc, cơ quan báo chí. Hội đồng xét giải thưởng đã họp và xét chọn được 65 gương thanh niên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực để trao giải. Đối với 69 gương thanh niên không được xét chọn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam quyết định tặng Bằng khen cho cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2021.

Do điều kiện dịch COVID-19, Ban tổ chức không trao giải theo hình thức tập trung tại Hà Nội mà ủy quyền cho Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc trao giải thưởng đến các cá nhân. 

 Nguyễn Dũng - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-nguoi-tre-truyen-cam-hung-song-dep-187084.html