Thuỷ điện Rào Trăng 3
Thủy điện Rào Trăng 3 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư tháng 11/2008, là nhà máy thủy điện thứ 13 tại Thừa Thiên Huế được cấp phép đầu tư xây dựng.
Dự án được xây dựng trên sông Rào Trăng (nhánh cấp 1 của sông Bồ), thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư
Thuỷ điện Rào Trăng 3 có công suất lắp máy 11 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 290 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha; trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.
Đến năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2631/QĐ-BCT về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Thừa Thiên Huế đối với dự án thủy điện Rào Trăng 3.
Theo đó, sau điều chỉnh, công suất nhà máy được nâng lên 13MW và điện lượng trung bình hàng năm là 44,343 triệu kWh.
Dự án có nhiệm vụ chính là phát điện lên lưới điện quốc gia. Sơ đồ khai thác gồm đập chính dâng kết hợp đập tràn xả lũ trên sông Rào Trăng, tuyến năng lượng bờ phải và nhà máy thủy điện kiểu hở xả nước trở lại sông Rào Trăng.
Dự án cũng được thay đổi chủ đầu tư từ Công ty TNHH tư vấn xây dựng Trường Sơn sang Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3.
Thông tin cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp cho thấy, Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 có địa chỉ tại Số 43 đường số 06 Khu đô thị An Cựu, Phường An Đông, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
Công ty này thành lập ngày 6/4/2011 có Giám đốc là ông Nguyễn Đại Thành - sinh năm 1992. Ông Thành đảm nhiệm chức vụ là người đại diện theo pháp luật của công ty này từ tháng 8/2015. Trước đó, vai trò này thuộc do ông Nguyễn Đại Lợi (SN 1965) - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty kiêm nhiệm.
Đầu tháng 1/2019, Thuỷ điện Rào Trăng 3 được tăng vốn từ 90 tỷ đồng lên 122,61 tỷ đồng.
Hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần Thuỷ điện Rào Trăng 3 tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 122,61 tỷ đồng lên 148,82 tỷ đồng.
Được biết, đến nay, Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã hoàn tất 90% hạng mục xây dựng.
Theo Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, các kết quả khảo sát cho thấy, trong số 42 điểm trượt lở đất đá trong toàn huyện Phong Điền, có 28 điểm trượt có quy mô nhỏ, 11 điểm trượt quy mô trung bình, 2 điểm trượt quy mô lớn, 1 điểm quy mô rất lớn. Hiện các điểm trượt vẫn còn nguy cơ tiếp tục xảy ra ảnh hưởng trực tiếp tới đường giao thông.
Riêng tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, đề án nghiên cứu của Viện này cũng chỉ rõ yếu tố nguy hiểm về địa hình như: Hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương á vĩ tuyến;...
Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3 đã được đề án cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000.
Trước đó, đại diện Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển bền vững thành phố Huế từng nêu ra về bất cập trong xây dựng và vận hành các công trình thuỷ điện tại Thừa Thiên - Huế.
Đơn vị này từng khuyến nghị, đối với môi trường tự nhiên, cần xem xét đánh giá kỹ lưỡng tác động của một số dự án trong quy hoạch thủy điện nhỏ, như dự án thủy điện cụm Rào La, Rào Trăng 3, 4 do ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Đồng thời đề nghị tăng cường trồng rừng, giám sát nghiêm túc việc dọn vệ sinh lòng hồ trước khi tích nước; nghiên cứu điều chỉnh giảm mức nước trước lũ ở các hồ chứa, tăng dung tích phòng lũ của các công trình hồ chứa thủy điện; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; tiến hành các hoạt động ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng nông hóa vực nước đầm phá, duy trì sinh khối thủy vực một cách bền vững; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường tại các dự án thủy điện.
Mai Chi - Theo Dân Trí