Lực lượng công an kiểm tra Bar Cosmo trên đường Nguyễn Ái Quốc ( TP Biên Hòa, Đồng Nai) ngày 8/12 và phát hiện hàng trăm đối tượng đang tụ tập có biểu hiện sử dụng chất ma túy
Nếu như “bay lắc” dần dần kéo người trẻ xuống bờ vực của cuộc sống sa đọa thì mức độ nguy hiểm của việc thức đêm, nghiện game đã đựợc các chuyên gia y tế cảnh báo. Cuối tháng 5/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công nhận nghiện game là bệnh tâm thần.
Trầm cảm, rối loạn tâm thần do nghiện game
Mới đây, theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 103, bệnh viện này đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 21 tuổi nhập viện trong tình trạng lờ đờ, mệt mỏi, khí sắc giảm, mất quan tâm, hứng thú với mọi thứ.
Gia đình bệnh nhân cho biết, 5 năm nay, con trai họ chơi game triền miên, thường xuyên bỏ học để chơi game. Trung bình một ngày chơi 8 -10 tiếng. Trước khi nhập viện, cháu ở lỳ trong phòng, gọi không dậy, hay bỏ bữa, có hôm chơi đến 3-4 giờ sáng mới ngủ. Mỗi lần bố mẹ khuyên bảo là cháu cáu gắt, nổi khùng, thậm chí đập phá cả đồ đạc trong nhà rồi bỏ ra quán net chơi tiếp.
Ngày 11/11, thấy thần sắc cháu không bình thường, đầu óc phân tán, thẫn thờ nên gia đình đưa cháu vào Viện Quân y 103 khám. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn tâm thần do nghiện game. Các bác sĩ phải chuyển nam bệnh nhân đến Khoa Tâm thần điều trị.
Bác sĩ Cao Tiến Đức, người trực tiếp khám cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị nghiện game nặng, biểu hiện bằng việc giao tiếp chậm chạp, trí nhớ kém, giọng nói nhỏ, cơ thể suy kiệt... Bác sĩ chỉ định ở lại viện để cai nghiện game. Phác đồ điều trị bằng uống thuốc an thần, chống trầm cảm hằng ngày, vitamin, dưỡng não. Nếu tình trạng không cải thiện sẽ phải dùng liệu pháp sốc điện.
Tình trạng nhiều bạn trẻ nhập viện và có vấn đề về tâm thần liên quan đến việc nghiện game, chơi game quá nhiều ngày phổ biến ở nước ta. Trước đó Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp được đưa đến để điều trị do nghiện game.
Trường hợp Nguyễn Thanh B. (SN 1996, Hà Nội) được biết đến là một học sinh chăm ngoan, học giỏi, đạt nhiều thành tích trong học tập, khi B. trước ngưỡng cửa đại học, gia đình đã đặt không ít kỳ vọng. Tuy nhiên, thay vì chuyên tâm vào học hành, B. bắt đầu lao vào chơi game bất kể đêm ngày.
Để có tiền chơi, B. bắt đầu tìm đủ cách để lấy trộm tiền của bố mẹ. Các biểu hiện nghiện game của B. ngày càng gia tăng, cậu sẵn sàng tuyệt thực nếu bố mẹ không đồng ý cho chơi game, số môn nợ tại trường học càng trở nên chồng chất… Lúc này, gia đình buộc phải đưa B. tới Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám.
Trường hợp của B. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân nghiện game hay các thiết bị có màn hình, kết nối internet (như điện thoại, iPad)… tới thăm khám tại Viện Sức khỏe tâm thần. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng, riêng tại Khoa Điều trị tâm thần nhi tiếp nhận trung bình hơn 10 trường hợp.
Còn theo Báo cáo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2), trong vòng 10 năm qua, số người chơi game online ở nước ta đã tăng hơn 1.000 lần, trong khi các nước khác tăng không quá 100 lần. Đi cùng với con số người chơi tăng này thì số lượng bệnh nhân nghiện game online phải nhập viện ngày càng tăng.
Cũng theo SAVY 2, ở Việt Nam có đến 38% trẻ vị thành niên sử dụng thời gian rảnh rỗi để chơi game. Nếu tính chung nhiều độ tuổi, 62% người dùng internet tại Việt Nam chơi game online khi trực tuyến. Đến năm 2018, số người chơi game online tại Việt Nam đã lên tới 11 triệu người.
Ám ảnh "bay lắc"
Mới đây, một cô gái trẻ tên T.X. đã gây nên vụ scandal khi lên tiếng tố nam ca sĩ Hồ Quang Hiếu lợi dụng lúc cô gái này mất kiểm soát sau khi sử dụng chất kích thích đã xâm hại cô. Theo tố cáo cùng các hình ảnh về tin nhắn và hình ảnh cuộc vui được T.X chia sẻ, cô gái này được bạn bè rủ tham gia một “bữa tiệc bay lắc” - cách nói của dân chơi để ám chỉ tiệc ăn nhậu có sử dụng chất kích thích, dùng ma túy đá và âm nhạc để đẩy cảm xúc lên cao trào.
Cô gái xuất hiện trong clip “bay lắc” với hình ảnh xấu xí
Tại bữa tiệc có mặt ca sĩ Hồ Quang Hiếu, nhân lúc T.X rơi vào trạng thái say sưa, không biết gì, nam ca sĩ đã có hành vi xâm hại, khiến T.X. mất đời con gái. Sau sự việc, T.X phát hiện ra việc cô được rủ tham gia cuộc vui và bị hại không phải là do xui rủi tình cờ mà là sự sắp đặt của nam ca sĩ cùng nhóm bạn. Vì chờ đợi lời xin lỗi nhưng không được đáp trả, cô gái này đã lên tiếng tố cáo, hiện chưa rõ thực hư câu chuyện như thế nào.
Chuyện các nam ca sĩ, người nổi tiếng, “hot boy, hot girl” tổ chức các buổi tiệc “bay lắc” đã râm ran từ lâu và là sự thật đáng buồn trong làng giải trí. Nhiều người còn nhớ sự việc đau lòng diễn ra trong buổi tiệc ma túy của ca sĩ Châu Việt Cường, vì phê ma túy đá quá mức, mất đi nhận thức, anh này đã nảy sinh ảo giác rằng bạn gái cùng tham gia tiệc bị ma ám, cần phải trừ tà. Nam ca sĩ chạy ra ngoài mua tỏi số lượng lớn và quay lại bữa tiệc, nhét hết số tỏi vào miệng khiến nạn nhân ngạt thở chết.
Cũng mới đây thôi, mạng xã hội xuất hiện một clip quay cảnh một cô gái trong cuộc “bay lắc”, vì phê ma túy, cô gái trẻ đầu tóc rũ rượi, ăn mặc xộc xệch, lộ cả nội y, ngồi trên ghế lắc lư điên cuồng theo điệu nhạc.
Hình ảnh xấu xí ấy khiến cho người xem vừa thấy rùng mình, vừa cám cảnh vì một người con gái còn thanh xuân nhưng đã để cho mình sa chân vào những cuộc chơi trụy lạc, khiến hình ảnh trở nên méo mó đến thế.
T.A.V, một cựu người mẫu đã có chia sẻ thật khi lần đầu tham gia vào cuộc “bay lắc” với một số “hot girl, hot boy” khác: “Khi bắt đầu bước chân vào cuộc vui, ai cũng xinh đẹp, lộng lẫy, đều là những nhan sắc mà ra ngoài khiến người ta ngưỡng mộ. Bước vào cuộc chơi, một cảm giác phấn khích lan tỏa, với âm nhạc rất “đã tai”, các loại rượu mạnh, bia, các thân hình bốc lửa lắc lư. Chung quanh là đủ loại “đồ chơi” như cần sa, cỏ, thuốc lắc... để các thành viên được chơi hết mình”.
“Các chất kích thích cuốn người ta vào cuộc chơi hết mình, lúc đó cảm thấy như mình không còn là mình nữa, sôi sục lên, bất chấp. Nhưng sau cuộc vui, đến sáng nhìn lại tất cả như một bãi hoang tàn: Những người nằm rũ rượi, thậm chí có người không mặc quần áo, sự bừa bãi, dơ bẩn khắp nơi khiến tôi kinh tởm, muốn nôn mửa.
Cơ thể mệt mỏi, suy kiệt cả tuần cộng cảm giác ghê sợ vì những kí ức thác loạn khiến tôi tránh mặt hết thảy những người đã tham gia buổi tiệc hôm ấy. Tôi có cảm giác rằng, nếu mình tiếp tục tham gia những buổi tiệc đáng sợ như thế, mình sẽ không còn là mình nữa, bê tha với cuộc sống sa đọa, phù phiếm...”.
Bác sĩ Cao Tiến Đức - Bệnh viện Quân y 103:
“Tổ chức Y tế Thế giới đưa nghiện internet, game vào nhóm các rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn. Người nghiện game khó kiểm soát mức độ chơi game như tần suất, cường độ, thời gian, bối cảnh, thậm chí mất kiểm soát đối với việc chơi game. Lúc đầu có thể bệnh nhân chỉ định chơi 1-2 tiếng, sau chơi lên 7-8 tiếng. Khi không được chơi, bệnh nhân có biểu hiện cáu gắt, chửi bới, phản ứng mạnh mẽ với người thân, thậm chí có trường hợp dọa tự sát.
Triệu chứng thứ hai giống trầm cảm. Người nghiện game khí sắc giảm, mất quan tâm hứng thú với mọi thứ, người mệt mỏi, ăn ngủ thất thường, gây suy giảm chức năng nghề nghiệp, học tập, chức năng giao tiếp xã hội đáng kể. Khi hỏi trực tiếp người bệnh về việc chơi game, họ thường có xu hướng nói tránh về thời gian sử dụng game của mình
Một người nghiện game sẽ dẫn tới việc thay đổi tâm thần vận động, bao gồm kích động, vận động chậm, chậm chạp khi giao tiếp, giọng nói nhỏ, số lượng ngôn ngữ ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí không nói. Ngoài ra còn rối loạn trí nhớ.
Thời gian điều trị bệnh của người nghiện game khó nói trước. Khi ra viện, bệnh nhân vẫn có thể tái nghiện. Vì vậy, gia đình cần quản lý việc sử dụng điện thoại, các thiết bị truy cập mạng... tập cho con thói quen sống lành mạnh và tái khám hằng tháng các vấn đề về tâm thần.
Việc nghiện game ngoài việc khiến các em mắc các vấn đề về tâm thần còn kéo theo tình trạng mất ngủ thường xuyên khiến sức khỏe, tinh thần của các em bị bào mòn. Người bị mất ngủ sẽ mệt mỏi, dễ nóng giận, quên, hay do dự, ảo giác.
Nghiêm trọng hơn, rối loạn giấc ngủ dẫn đến nguy cơ đột quỵ tăng 83%; suy giảm hệ thống miễn dịch, suy nhược cơ thể, thần kinh; suy giảm trí nhớ; nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh, cơ xương khớp, gan mật…
Chính vì vậy, theo các chuyên gia y tế, khi phát hiện con em mình có biểu hiện nghiện game online, gia đình cần quan tâm và các em tới bệnh viện thăm khám, xác định các bệnh lý nền nếu có để có liệu pháp can thiệp phù hợp, kịp thời. Điều quan trọng nhất là sự quan tâm từ chính gia đình, cha mẹ cần tạo môi trường sinh hoạt cộng đồng phù hợp để các em không có điều kiện sa đà thái quá vào game online”.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga:
“Tôi từng tham gia tư vấn tâm lý cho một cô gái trẻ nghiện ngập trò bay lắc. Gia đình không giàu có, cha mẹ là công chức, nhưng vì lơ là, quên quan tâm, để mắt đến cô con gái xinh đẹp đang tuổi nổi loạn.
Kết quả là khi phát hiện con gái tham gia những bữa tiệc ma túy với bạn bè, có dấu hiệu sa sút học hành, kém về nhận thức thì mới hoảng sợ, vội kèm cặp con chặt, từ đó nảy sinh phản ứng chống đối từ cô con gái với cha mẹ mình...
Qua tiếp xúc với những trường hợp như thế, tôi nhận ra đa số các bạn trẻ ban đầu bị thu hút vào các cuộc vui thác loạn là do tò mò và mong muốn được khẳng định bản thân. Nghĩ rằng đó là trào lưu, là cách chứng minh mình khác biệt, mình đẳng cấp và chịu chơi hơn so với bạn bè chung quanh.
Để rồi từ đó sa chân vào các cuộc chơi trụy lạc. Tôi từng chứng kiến những bạn trẻ, đáng ra là rất đẹp, có thể giỏi giang thành đạt và tương lai sáng lạn, nhưng rồi chỉ còn những hình hài vật vờ, thiếu sức sống, thiếu tư duy...
Thế mới thấy, những cuộc chơi ma túy nó hủy hoại người trẻ, hủy hoại tương lai của họ như thế nào. Các em cần có liều thuốc bổ để bứt ra khỏi những thú vui sa đọa.
Đó là sự quan tâm, sâu sát của gia đình, là sự quản lý xã hội nghiêm ngặt để hạn chế sự bùng phát của ma túy. Và hơn hết là những thú vui phong phú, lành mạnh, sự định hướng tư tưởng tích cực, hữu ích đến từ mặt quản lý xã hội, từ những người nổi tiếng, những tấm gương mà các em ngưỡng mộ, học theo”.
|