Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa thông báo về việc hủy bán đấu giá cổ phần ra công chúng của cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank, mã CK: SGB) sở hữu tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, mã CK: BVB).
Theo đó, tính đến 16h ngày 17/9, là thời điểm kết thúc thời hạn đăng ký tham gia và nộp tiền cọc mua cổ phiếu bán đấu giá ra công chúng của cổ đông Saigonbank sở hữu tại Viet Capital Bank. Tuy nhiên, trên hệ thống đấu giá của HOSE ghi nhận không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank)
Căn cứ theo quy định, cuộc đấu giá này không đủ điều kiện để tổ chức nên bị hủy.
Như vậy, đây là lần thứ hai không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá cổ phiếu ra công chúng trong thương vụ thoái vốn này. Trước đó, ngày 14/7, cuộc đấu giá cũng bị hủy vì không có nhà đầu tư tham gia.
Được biết, kế hoạch thoái vốn tại Viet Capital Bank được Hội đồng quản trị Saigonbank đưa ra vào đầu tháng 4/2021. Dự kiến, Saigonbank chào bán gần 8,3 triệu cổ phiếu BVB, tương ứng 2,25% vốn điều lệ với giá chào bán là 22.800 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BVB có xu hướng tăng trong một tháng qua, tuy nhiên mức tăng cũng không đăng kể. Chốt phiên 21/9, thị giá cổ phiếu BVB ở mức 20.800 đồng/cổ phiếu, tức rẻ hơn mức mà Saigonbank chào bán.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần của Viet Capital Bank đạt 738,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 515,6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Viet Capital Bank tăng từ 23,3 tỷ đồng lên 36,5 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư đều giảm so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 5,1 tỷ đồng và 76,6 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Viet Capital Bank giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 70,1 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng lãi sau thuế 269,6 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Viet Capital Bank ở mức 66.600 tỷ đồng, tăng khoảng 5.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng là 11.470 tỷ đồng; cho vay khách hàng 43.819 tỷ đồng, tăng khoảng 4.500 tỷ đồng so với đầu năm.
Về cơ cấu nợ phải trả, tính đến ngày 30/6/2021, Viet Capital Bank ghi nhận 13.003 tỷ đồng tiền gửi và vay của các tổ chức tín dụng; tiền gửi của khách hàng giảm từ 41.372 tỷ đồng xuống còn 39.901 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ xấu, tính đến ngày 30/6/2021, nợ xấu của Viet Capital Bank ở mức 1.246 tỷ đồng, tăng 12,1% so với đầu năm.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng cao nhất với 875 tỷ đồng, tăng 15%; nợ nghi ngờ 261 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 20% so với đầu năm và nợ dưới tiêu chuẩn giảm xuống còn 110,5 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Viet Capital Bank là 2,8%.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, nợ xấu ngân hàng đang tiềm ẩn nguy cơ tăng cao khi nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ do dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều ngân hàng nếu không khó chính sách cho vay hợp lý sẽ dẫn tới nguy cơ nợ khó đòi, thậm chí là mất vốn khi khách hàng mất khả năng trả nợ.
Hậu Lộc - TTTĐ