Ngày 6/1/2022, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2021 được triển khai trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức có phần nhiều hơn.
Chứng khoán Việt Nam năm 2021 có nhiều dấu ấn (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, thu ngân sách Nhà nước đạt mức cao hơn so với dự toán với tổng số thu năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.
Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; Thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020.
Đáng lưu ý là cùng với đóng góp quan trọng của ngành hải quan trong tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên đã vượt mốc 668 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD giúp thu ngân sách trên 379,6 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách.
Về công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng chống dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.
Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2020 và 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch của Bộ Y tế năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vắc xin phòng COVID-19; Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung 14.620 tỷ đồng dự phòng ngân sách Trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiện chi năm 2021 để chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Kết quả, chi thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Trong đó ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19, thu ngân sách Nhà nước đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; Xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng ở 33 địa phương.
Mặt khác, năm 2021 tiếp tục là một năm nhiều dấu ấn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thị trường có nhiều phiên tăng, giảm điểm mạnh đan xen, tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là phục hồi và tăng trưởng.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020; Quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường đạt khoảng 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020; Giá trị bình quân giao dịch đạt trên 26 nghìn tỷ đồng/phiên.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội.
Đáng chú ý, ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chính thức ra mắt đã đánh dấu cột mốc phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam, thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường.
Bên cạnh đó, để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên thị trường chứng khoán, cùng với những giải pháp kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp đã được ban hành.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước điều hành thị trường chứng khoán Việt Nam trên nguyên tắc duy trì hoạt động liên tục, an toàn, minh bạch và phải chuẩn bị tốt giải pháp trước mọi tình huống có thể xảy ra. Một trong những nỗ lực đó phải kể đến là việc vận hành thành công giải pháp kỹ thuật khắc phục sự cố nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).
Ngoài ra, trước tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh bộc lộ một số rủi ro, Bộ Tài chính đã chủ động đưa ra hàng loạt cảnh báo cho các chủ thể tham gia thị trường, chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm...
Hậu Lộc- TTTĐ