Nới lỏng đi lại là lưu thông “máu”, "oxy" cho doanh nghiệp

29/09/2021 16:09

Kinhte&Xahoi Theo ông Trịnh Văn Quyết, tiền chưa hẳn là "máu", là nguồn sống trong thời điểm này mà được đi lại bình thường mới là "máu" và "oxy" để doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.

Nới lỏng đi lại như “dòng máu” được lưu thông

 Hiện Chính phủ đang khẩn trương triển khai giải pháp chuyển trạng thái từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động.

Thực tế cho thấy trong suốt 4 đợt dịch bùng phát tại Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Viettel, FLC, Sun Group, Vietjet, FPT… đã và đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế do Chính phủ đề ra.

Bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, những đóng góp đáng kể của doanh nghiệp thông qua vật chất và hành động với hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ đã chung sức cùng cộng đồng vượt qua khó khăn, minh chứng cho vai trò động lực “xung kích” của khối doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, khi tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tốt hơn, chiến dịch tiêm vắc xin trên quy mô lớn được triển khai mạnh mẽ và các gói kích thích nền kinh tế phục hồi đang chuẩn bị được Chính phủ triển khai, nhiều tín hiệu sáng đang mở ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Tái tạo năng lượng để đột phá" diễn ra ngày 28/9, nhiều ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, việc hạn chế trong giao thương khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng hóa không bán được, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC

Vì vậy, khi Chính phủ triển khai giải pháp chuyển trạng thái từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, các doanh nghiệp kiến nghị nên nới lỏng dần các hoạt động, đặc biệt là việc lưu thông, đi lại.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, thu hẹp quy mô kinh doanh, nhưng ở góc độ tích cực nó lại đang mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp có nhiều tiềm lực, khát vọng.

Theo ông Quyết, lúc này tiền chưa hẳn là "máu", là nguồn sống mà việc được lưu thông, đi lại bình thường mới là "dòng máu" đối với doanh nghiệp, bởi việc hạn chế giao thương đang khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tê liệt.

Lãnh đạo Tập đoàn FLC cho rằng, với các lĩnh vực như du lịch, hàng không, dịch vụ, khách sạn và nhiều ngành nghề khác, việc mở cửa, đi lại được ngày nào là có dòng tiền, tồn tại được ngày đó và giữ chân được người lao động.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Tập đoàn FLC, ông Quyết cho biết, dù trong hoàn cảnh nào thì đều ưu tiên sự uyển chuyển. Với FLC, cứ được đi lại mở cửa du lịch thì 1 tuần 1 tháng cũng quý. Trong 2 năm qua doanh nghiệp luôn tận dụng tối đa những cơ hội được đi lại như vậy.

“Dịch bệnh ở Việt Nam luôn trong tình trạng On – Off. Nếu doanh nghiệp cứ đóng cửa hoàn toàn thì không thể ứng phó được mà phải tìm cách ứng biến như thời chiến. Tức là ở tình trạng Off thì bảo toàn nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, các kế hoạch là nếu được mở cửa thì phải làm ngay những việc gì. Để một khi mở cửa, phải tận dụng được ngay cơ hội được đi lại để tiếp sức cho doanh nghiệp”, ông Quyết chia sẻ.

Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco

Miễn nhiễm với đại dịch bằng “vắc xin” công nghệ

 Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, dịch bệnh đã đẩy họ vào thế khó, nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh, công nghệ hóa. Một số đơn vị nhờ áp dụng công nghệ nên thời gian vừa qua vẫn có hoạt động, vẫn có doanh thu, đây là hướng lâu dài mà các doanh nghiệp phải tính đến.

"Tôi cho rằng chúng ta nên chuyển đổi số toàn diện trong cả hệ thống chính trị, xã hội và doanh nghiệp. Như chúng tôi, nhờ chiến lược điều hành bằng công nghệ số, tuy doanh số và lợi nhuận giảm nhưng vẫn có lãi, công nhân không bị nghỉ việc và có thu nhập ổn định”, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco chia sẻ.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT

Tương tự, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh công nghệ như một “vắc xin” cấp thiết cho doanh nghiệp và cho rằng đây là “mũi tiêm” có thể bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp không chỉ trong thời dịch bệnh.

Theo ông Trương Gia Bình, công nghệ, hay các giải pháp số sẽ giúp doanh nghiệp tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài.

"Cơ thể chúng ta thì cần Moderna, Astra Zecera, Pfizer... còn công ty chúng ta là cần vắc xin công nghệ. Nó có thể bảo vệ cho chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giúp chống lại các phản ứng, biến động", ông Bình nói.

Theo đại diện các doanh nghiệp của câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, bên cạnh việc mở cửa và cho đi lại, chuyển đổi số thì những sự hỗ trợ cắt giảm các loại chi phí, bảo đảm tín chấp cũng góp phần tạo ra nguồn "oxy" giúp doanh nghiệp hồi sức lúc này.

"Toàn bộ chi phí cố định như điện, nước, lương là nhà nước bảo lãnh cho các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay, bảo vệ mặt bằng, nhân lực và năng lượng. Tôi tin rằng với chính sách như vậy, các doanh nghiệp có thể quay trở lại rất nhanh", Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhận định.

Ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam.

Ngoài các vấn đề trên, tại tòa đàm, ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam cho rằng, hiện nay, chúng ta không chỉ đối mặt với virus Covid-19, mà còn có một virus khác đang trở thành rào cản, tạo ra sức ỳ lớn đối với doanh nghiệp, đó là "virus" sợ hãi, sợ trách nhiệm.

Theo ông Hải, sự tồn tại của "virus" sợ hãi đã ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình dài trước đây và suốt đợt dịch vừa qua, gây ra tình trạng ách tắc tại các dự án, cũng như nhiều vướng mắc của doanh nghiệp, trở thành cục máu đông, tác động nặng nề đến việc phát triển kinh tế nền cần có quyết sách để giải quyết tình trạng này

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/noi-long-di-lai-la-luu-thong-mau-oxy-cho-doanh-nghiep-178874.html