Nông sản xuất khẩu sang EU cần đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật
Kinhte&Xahoi
Nông sản được đánh giá là mặt hàng hưởng lợi thế nhiều nhất khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tuy nhiên hàng hóa phải đáp ứng các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên; củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững.
Nông sản xuất khẩu sang EU cần đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật. Ảnh minh họa.
Trong đó, ông Trần Văn Công, tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU cho biết, lĩnh vực nông sản được đánh giá là hưởng lợi thế nhiều nhất từ EVFTA. Hiện nay chúng ta là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai sau Hoa Kỳ vào thị trường EU. Chúng ta đang có lợi thế cam kết thuế cũng như các lợi thế khác mà EVFTA mang lại.
EU một năm nhập khẩu 150 tỉ euro, trong khi đó chúng ta xuất khẩu chỉ 4,5 tỉ euro. Các nhóm hàng mà chúng ta xuất vào EU là có lợi thế của Việt Nam và không bị cạnh tranh trực tiếp với các nhóm hàng của thị trường này. "Nên lợi thế này sẽ được nhân đôi khi mà chúng ta tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang EU" - ông Công nhấn mạnh.
Cụ thể các nhóm hàng Việt Nam xuất sang EU là thủy sản. Thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này rất lớn với tổng thương mại mỗi năm 60 tỉ euro, còn Việt Nam mới xuất vào EU có 1,13 tỉ euro. Sau khi hiệp định có hiệu lực thì gần như các nhóm hàng thủy sản xuất vào EU được cắt giảm thuế. Tuy nhiên, các đối thủ như Thái Lan hay một số nước ở Nam Mỹ xuất khẩu thủy sản vào EU không có lợi thế này. Lợi thế này là rất lớn để tăng khả năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU.
Nhóm hàng rau quả, EU mỗi năm cũng nhập 35 tỉ euro. Tuy nhiên, mỗi năm tổng kim ngạch rau củ quả mà chúng ta xuất sang EU chỉ 130 triệu euro. Mức này còn quá nhỏ so với nhu cầu của EU. Thực tế, EU đang có nhu cầu rất cao về nhóm hàng rau củ quả nhiệt đới.
Có một thuận lợi nữa, đối với hàng rau củ quả xuất sang EU, EU chỉ yêu cầu giấy kiểm dịch theo các lô hàng và áp dụng hậu kiểm về an toàn thực phẩm, chứ không áp dụng quy trình như một số các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là phải đánh giá rủi ro, sau đó cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói; cử đoàn chuyên gia sang tận Việt Nam để giám sát kiểm dịch cho xuất khẩu đối với từng lô hàng. Việc này gây ra nhiều quy trình, tốn kém cho doanh nghiệp.
Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam vào EU tăng rất mạnh, bình quân mỗi năm khoảng 25%. Nên khi hiệp định có hiệu lực thì mặt nhóm hàng này có thuận lợi rất lớn để xuất khẩu vào thị trường EU.
Hay nhóm gạo, thị trường EU có nhu cầu gạo rất lớn với lượng tiêu thụ một năm khoảng 3,6 triệu tấn. Trong đó, lượng nhập khẩu khoảng 1,2-1,3 triệu tấn/ năm. Năm 2019, chúng ta mới xuất vào 50.000 tấn. Theo hiệp định EVFTA, EU mở hạn ngạch cho ta 80.000 tấn gạo. Lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trưởng EU cần phải đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận GlobalGap đối với sản phẩm trồng trọt. Ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu về bảo toàn tài nguyên phát triển bền vững áp dụng vào quá trình sản xuất…
Đồng quan điểm, ông Đỗ Việt Tùng, phó trưởng Phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương nhấn mạnh: Hàng phải đáp ứng các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Do tác động của chiến tranh thương mại nên xu hướng các doanh nghiệp EU và Hoa Kỳ đang chuyển dịch đầu tư sang các quốc gia khác để đảm bảo chuỗi cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp tại EU. Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để hợp tác với doanh nghiệp EU trong thu hút đầu tư những lĩnh vực mà Việt Nam có thể mạnh. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu những sản phẩm của mình vào EU.
Tiềm năng là rất lớn. Vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao đáp ứng được những đòi hỏi mà thị trường EU đưa ra, đặc biệt là các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thị trường, tìm hiểu đối tác qua các tham tán thương mại tại EU để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt vào EU.
Theo cam kết về hàng hóa, EU xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam khi hiệp định chính thức có hiệu lực. Và sau 7 năm nữa, 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được EU xóa bỏ thuế. Còn Việt Nam cắt giảm 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sau 7 năm tới, 91,8% số dòng thuế của EU vào Việt Nam sẽ được cắt bỏ thuế hoàn toàn.
|
Thanh Tùng -Vietq.vn