'Nước Mỹ trên hết', Donald Trump thêm sức mạnh dồn ép Trung Quốc
Kinhte&Xahoi
Sức ép dường như không cản được chiến lược “nước Mỹ trên hết” của tổng thống Mỹ Donald Trump. Các cuộc chiến vẫn tiếp diễn, nhất là khi sức mạnh của nước Mỹ được củng cố, các ông lớn công nghệ dồn dập tăng cao.
Ông lớn công nghệ Mỹ đồng loạt lập kỷ lục
Tiếp tục đà đi lên trong nhiều phiên gần đây, hàng loạt các cổ phiếu công nghệ của Mỹ tăng vọt, lập các đỉnh cao mới và cùng nhau ghi nhận vốn hóa vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.
Đêm qua (giờ Việt Nam), cổ phiếu Apple tiếp tục đà leo dốc và lập kỷ lục cao mới sau khi chuyên gia phân tích của Deutsche Bank nâng giá mục tiêu của cổ phiếu này. Các cổ phiếu công nghệ khác của Mỹ như Microsoft, Netflix, Amazon… đều tăng mạnh.
Cả chỉ số công nghệ Nasdaq Composite và chỉ số tầm rộng S&P 500 đều tăng điểm và đánh dấu mức đóng cửa cao kỷ lục mới. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng mạnh và vượt ngưỡng 26 nghìn điểm.
Trong tuần này, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, vốn hóa tứ đại gia công nghệ của Mỹ gồm Alphabet (công ty mẹ Google), Apple, Amazon, Microsoft cùng đạt trên ngưỡng 1.000 tỷ USD.
Cụ thể, tính tới rạng sáng nay 9/7 (giờ Việt Nam) Alphabet đạt trên 1.020 tỷ USD; Microsoft với 1.610 tỷ USD; Amazon đạt 1.540 tỷ USD và Apple đạt trên 1.650 tỷ USD.
Vốn hóa của Apple vọt lên 1.650 tỷ USD.
Đây là lần đầu tiên 4 hãng công nghệ lớn nhất Mỹ cùng đạt vốn hóa trên nghìn tỷ USD kể từ cuối tháng 1. Nhóm cổ phiếu này chịu ảnh hưởng không nhỏ khi đại dịch xuất hiện hồi tháng 2-3. Tuy nhiên, cú bứt phá trở lại của nhóm này cho thấy triển vọng của ngành công nghệ Mỹ khá tươi sáng, át những thông tin xấu về một làn sóng lây nhiễm thứ 2, sự suy thoái của các nền kinh tế cũng như tình trạng thất nghiệp lan tràn toàn cầu.
Hàng loạt các cổ phiếu công nghệ của Mỹ khác cũng đồng loạt lập đỉnh cao mọi thời đại mới như: Netflix, Tesla, PayPal, Nvidia và Adobe…
Như vậy, cho tới nay, top 10 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới phần lớn đều của Mỹ. Bốn ông lớn công nghệ nói trên đứng từ vị trí thứ 2-5 (vị trí 1 là ông lớn dầu khí Saudi Aramco của Saudi Arabia.Các tập đoàn Facebook, Berkshire Hathaway và JPMorgan Chase của Mỹ cũng nằm trong top 10 vốn hóa lớn nhất. Chỉ có 2 doanh nghiệp của Trung Quốc là Alibaba và Tencent nằm trong nhóm này nhưng có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ trong bối cảnh chính quyền ông Donald Trump tính kế hoạch hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc và ngăn chặn tiếp cận nguồn vốn Mỹ.
Cổ phiếu Amazon lần đầu vượt ngưỡng 3.000 USD/cp và vốn hóa đạt 1.540 tỷ USD.
Trước đó, theo Reuters, chính quyền ông Donald Trump đã tính tới khả năng huỷ niêm yết cổ phiếu của công ty Trung Quốc trên sàn giao dịch Mỹ. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc trong bối cảnh Nhà Trắng ngày càng lo ngại về vấn đề an ninh liên quan đến hoạt động của các công ty.
Mỹ tăng cường sức ép lên Trung Quốc
Hồi giữa 2019, các nhà lập pháp Mỹ từ cả hai đảng đã đưa ra một dự luật để buộc các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ phải tuân theo sự giám sát của cơ quan quản lý. Trung Quốc từ trước tới nay không muốn các sàn chứng khoán Mỹ năm sâu thông tin của doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có vấn để kiếm toán nước ngoài, với lý do lo ngại an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Mỹ không chấp nhận Bắc Kinh tiếp tục che chắn, bảo vệ cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, đòi hòi các doanh nghiệp này phải thủ luật pháp và quy định của Mỹ về minh bạch tài chính và trách nhiệm giải trình.
Những sức ép của chính quyền ông Trump lên Bắc Kinh gần đây không có dấu hiệu suy giảm. Hàng loạt các chính sách và tuyên bố cho thấy nước Mỹ vẫn gây áp lực tối đa lên chính quyền ông Tập Cận Bình.
Sức ép của Mỹ gia tăng trong bối cảnh sức mạnh công nghệ của nước này được khẳng định ngày càng rõ nét, TTCK Mỹ vẫn đi lên bất chấp áp lực về dịch bệnh, về xung đột trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới là rất lớn.
Trong phiên đêm qua, giá cổ phiếu Facebook gần đây cũng tăng mạnh và hiện có vốn hóa gần 700 tỷ USD. Berkshire Hathaway có vốn hóa khoảng 560 tỷ USD.
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới, trong khi nước Mỹ vẫn mạnh. Một cuộc chiến được cho còn kéo dài.
Mặc dù khó khăn dồn dập, sức ép từ đại dịch và bất ổn nội bộ trong nước lớn, chính quyền ông Donald Trump dường như vẫn kiên định với chính sách “nước Mỹ trước nhất” và đẩy mạnh sự chia cách giữa Trung Quốc với phương Tây.
Hôm 6/7, Chánh Văn phóng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết tổng thống Trump đang cân nhắc một số sắc lệnh nhằm vào Trung Quốc và hoạt động sản xuất, nhưng không nêu thêm chi tiết
Hạ viện Mỹ hồi đầu tháng cũng đã thông qua dự luật trừng phạt ngân hàng Trung Quốc liên quan đến những quan chức thực thi luật an ninh Hong Kong, mà được coi là một bước đi đánh dấu cái chết của mô hình "một quốc gia, hai chế độ".
Mỹ cũng đã bắt đầu quy trình tước quy chế đặc biệt cho Hong Kong, dừng xuất khẩu quốc phòng và hạn chế thành phố tiếp cận với các sản phẩm công nghệ cao.
Tổng thống Mỹ từng nhắc tới khả năng hai nền kinh tế "đôi ngả chia ly" vẫn hiện hữu, trong khi tháng trước, Cố vấn Thương mại Peter Navarro đã khiến các thị trường toàn cầu chao đảo với bình luận “nhầm lẫn” cho rằng thỏa thuận thương mại song phương đã chấm dứt.
Hàng loạt các chính sách mạnh tay với Trung Quốc được chính quyền Mỹ đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Cuộc chiến Mỹ-Trung, trên nhiều mặt trận, từ thương mại cho tới công nghệ, tài chính, tiền tệ… được cho là còn kéo dài và nó sẽ khiến thị trường tài chính thế giới biến động khó lường trong vài tháng tới, thậm chí cả sau cuộc bầu cử Mỹ.
M. Hà