Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao đổi nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của người lao động tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai).
Điều tra tại 18 tỉnh, thành phố
Theo kế hoạch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ điều tra tại 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. 2.000 doanh nghiệp được chọn điều tra, đại diện theo 3 nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ; có quy mô dưới 100 lao động, từ 100 đến 300 lao động và trên 300 lao động.
Việc điều tra tiến hành từ ngày 1-4-2022, trong thời gian 60 ngày theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp người sử dụng lao động, đại diện người sử dụng lao động về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, nâng bậc lương, các mức tiền lương trong doanh nghiệp, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, sẽ khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2023.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15-11-2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, lương tối thiểu vùng I là 4.420.000 đồng; vùng II là 3.920.000 đồng; vùng III là 3.420.000 đồng; vùng IV là 3.070.000 đồng.
Tăng lương là xu thế tất yếu
Thực tế, trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tăng lương tối thiểu vùng đã "lỡ hẹn". Theo rà soát của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, sau Tết Nhâm Dần vừa qua, có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số địa phương có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc thấp như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).
Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Hồng Quang cho rằng, bên cạnh một số lý do như một bộ phận lao động về quê đón Tết chưa trở lại hoặc xin việc tại quê nhà, công nhân đang là F0, tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết còn do chế độ đãi ngộ. Khảo sát cho thấy, doanh nghiệp trong một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da mức lương khởi điểm chỉ ở mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ, nhưng yêu cầu công việc, giờ giấc lại quá cao, không bảo đảm đời sống công nhân, nhất là người ở xa phải tốn thêm chi phí thuê nhà trọ và các khoản chi phí khác, không bù đắp được cho việc tái tạo sức lao động.
Trước tình hình này, Liên đoàn Lao động nhiều tỉnh, thành phố cho rằng, trên cơ sở điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần xem xét đề xuất Chính phủ tăng mức lương tối thiểu vùng. Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An Lê Thị Thu Cúc thông tin, giá cả sinh hoạt tăng cao, lương tối thiểu vùng không bảo đảm sinh hoạt và cuộc sống của lao động, nhất là người ngoại tỉnh đến làm việc nên hiện nay địa phương rất khó tuyển dụng lao động.
Nêu thực tế nhiều công nhân lao động có con nhỏ phải gửi về quê do không có điều kiện chăm sóc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, sau 2 năm không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp đã “lấy cớ” Chính phủ chưa tăng lương để không tăng lương cho người lao động, đồng thời giảm bớt một số chế độ, khiến đời sống công nhân càng khó khăn, dẫn đến một số cuộc ngừng việc tập thể để phản ứng. Tuy nhiên, sau khi tổ chức công đoàn đàm phán, thương thuyết, chủ doanh nghiệp đã đồng ý tăng lương cho người lao động.
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần khuyến nghị với Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm xem xét tăng lương tối thiểu cho người lao động; đồng thời chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp về thực hiện chính sách tiền lương với người lao động.
Về lâu dài, cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của người lao động tại các khu nhà trọ để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho lao động nhập cư. Cùng với đó là ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: Xây dựng nhà ở cho thuê giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội bán cho người lao động với thời hạn trả khoảng 20 năm nhằm ổn định thị trường lao động, công nhân yên tâm làm việc…
Hà Phong - Lý Thị Mai - Hà Nội mới