Ông Nguyễn Đức Chung (54 tuổi, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) vừa bị VKSNDTC truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại khoản 3 Điều 356 BLHS, khung hình phạt tù từ 10 - 15 năm.
Các bị can Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) bị truy tố với vai trò đồng phạm củ
Bị can Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Trường Giang, Võ Tiến Hùng (từ trái qua phải).
VKS xác định ông Chung đã chỉ đạo Cty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C trái quy định từ Cty Arktic (do vợ của ông Chung thành lập), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 36 tỷ đồng.
Ông Chung đã chỉ đạo gì?
Năm 2016, UBND TP Hà Nội chủ trương thay đổi công nghệ xử lý nước ở sông, hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, giao Sở Xây dựng và Cty Thoát nước thực hiện.
Ngày 27/5/2016, ông Chung cho lập đoàn đại biểu sang Hà Lan, Đức, Pháp để tham quan, làm việc. Trong số này, Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Cty Arktic) được ông Chung cử đi cùng đoàn. Khi qua nước Đức, đoàn đã trao đổi với hãng Watch Water về giải pháp xử lý ô nhiễm nước.
Sau khi hãng Watch Water chế tạo ra Redoxy 3C theo đơn đặt hàng của UBND Hà Nội, theo chỉ đạo của ông Chung, Giang đã nhập khẩu 100 kg chế phẩm này rồi giao cho thư ký của ông Chung.
Trong các ngày 29 và 31/7/2016, bị can Chung chỉ đạo Cty Thoát nước dùng 100 kg hóa chất để thử nghiệm. Tại buổi thử nghiệm ngày 31/7/2016 ở hồ Hoàn Kiếm, ông Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng về việc “giao Cty Thoát nước mua chế phẩm Redoxy 3C qua Cty Arktic”.
Ngày 22/8/2016, ông Chung chủ trì cuộc họp về xử lý ô nhiễm nước và đưa ra kết luận có nội dung giao cho một lãnh đạo TP ký văn bản yêu cầu các UBND quận, huyện dừng xử lý ô nhiễm nước các ao hồ trên địa bàn TP để tập trung vào một đầu mối.
“Chất Redoxy 3C là chất chúng ta đặt, giao cho Sở Ngoại vụ và một lãnh đạo UBND TP đàm phán để độc quyền nhập chế phẩm, việc nhập chế phẩm Redoxy 3C sẽ thông qua một Cty khác”, cáo trạng dẫn nội dung chỉ đạo của ông Chung.
Theo VKS, hóa chất được hãng Watch Water sản xuất theo đơn đặt hàng của UBND Hà Nội nhưng ngày 8/8/2016, hãng ký văn bản thỏa thuận rồi cấp chứng nhận cho Cty Arktic phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy 3C.
Sau khi Cty Arktic trở thành nhà phân phối độc quyền Redoxy 3C, từ năm 2016 đến 2019, theo chỉ đạo và tạo điều kiện của ông Chung, Arktic đã nhập khẩu hơn 489 tấn chế phẩm với tổng chi phí 115,7 tỷ đồng. Sau đó, doanh nghiệp bán lại số hóa chất cho Cty Thoát nước với giá hơn 151 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định thời điểm mua hóa chất rồi bán lại cho Cty Thoát nước, Công ty Arktic chưa bổ sung ngành nghề kinh doanh hóa chất, chưa đăng ký nhãn cho chế phẩm và chưa có chứng nhận lưu hành sản phẩm này.
Hợp đồng mua bán trái quy định trên mang về cho Công ty Arktic khoản lợi nhuận hơn 36 tỷ đồng. Đây cũng là thiệt hại do các bị can gây ra cho Nhà nước.
Công an khám nhà Nguyễn Đức Chung.
Vợ ông Chung làm giả hồ sơ
Đối với pháp nhân Arktic, VKS xác định bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) là người thành lập công ty này. Bà Hoa góp đủ 5 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng đứng tên Đào Xuân Tấn và Nguyễn Đức Hạnh (con trai bà Hoa ông Chung).
“Toàn bộ hồ sơ đăng ký thành lập, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Cty Arktic đều do bà Hoa thực hiện và tự giả chữ ký của Nguyễn Đức Hạnh”, cáo trạng nêu.
Tháng 6/2016, bà Hoa làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp để thay đổi thành viên góp vốn từ Tấn sang Giang. Một tháng sau, bà Hoa tiếp tục làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn để thay đổi thành viên góp vốn từ Hạnh sang Giang.
Theo cáo trạng, Giang đứng tên sở hữu 60% vốn góp, bà Hằng đứng tên sở hữu 40% vốn góp. Kết quả điều tra xác định không có việc mua, bán hay thanh toán tiền giữa các bên chuyển nhượng phần vốn góp.
Ngày 19/7/2016, sau khi Cty Arktic làm thủ tục nhập khẩu mẫu chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung đã đề nghị bạn là ông Lê Hoàng Thanh lấy tên bà Hằng (vợ ông Thanh) để làm thủ tục nhận chuyển nhượng 40% vốn điều lệ và bà Hằng đứng tên thành viên góp vốn thay cho Hạnh.
Như vậy, VKS xác định gia đình Nguyễn Đức Chung sở hữu 40% vốn điều lệ Cty Arktic. Để tạo lợi nhuận cho Cty gia đình, ông Chung đã cho bị can Giang tham gia như là một cán bộ của UBND Hà Nội xuyên suốt quá trình tham quan, thử nghiệm, mua bán Redoxy 3C. Qua đó, Cty Arktic được độc quyền phân phối hóa chất này.
Đây là vụ án thứ 3 khiến ông Chung vướng lao lý. Tháng 12/2020, ông Chung bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan đến đại án xảy ra tại Cty Nhật Cường.
Ngày 21/9/2021, trong vụ án thứ 2, VKSNDTC truy tố ông Nguyễn Đức Chung do sử dụng quyền của Chủ tịch Hà Nội để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng 2 gói thầu số hóa của Sở KH&ĐT Hà Nội.
Theo KLĐT, bị can Giang khai dịp Tết Dương lịch năm 2016 đến nhà chơi với con trai ông Chung là Hạnh. Từ đó, Giang trở nên thân thiết với cựu Chủ tịch UBND Hà Nội.
Năm 2015, bà Hoa bỏ 5 tỷ đồng thành lập Cty Arktic và cho Hạnh đứng tên đăng ký kinh doanh. Sau đó, bà Hoa nói với Giang về việc ông Chung không muốn Hạnh trực tiếp tham gia kinh doanh. Do đó, Giang đã mua lại 20% vốn điều lệ đứng tên Hạnh.
Sau đó, bà Hoa chuyển nhượng 60% vốn điều lệ của con trai cho Giang. Tuy nhiên, từ khi Giang tham gia điều hành Cty này, bà Hoa không bàn giao 5 tỷ đồng vốn điều lệ nên Giang phải bỏ tiền túi để bù vào.
“Hầu hết sản phẩm, mặt hàng chính công ty bán hoặc dự định nhập về bán cho các đơn vị thuộc UBND TP Hà Nội, chiếm 80-90% doanh thu, Giang đều báo cáo và được ông Chung đồng ý”, KLĐT nêu.
Theo lời khai của Giang, giai đoạn 2016-2019, lợi nhuận của Cty Arktic chưa cao nên chưa có chủ trương chia lợi nhuận. Mục đích ông Chung giữ 40% cổ phần của gia đình tại Cty Arktic là chờ khi doanh nghiệp lớn mạnh, hợp tác được với các hãng nước ngoài như Hako, Watch Water GmbH xây dựng nhà máy tại Việt Nam thì doanh thu có thể đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Giang cũng cho rằng ông Chung thường gợi ý kinh doanh một số sản phẩm và tạo điều kiện cho Cty Arktic bán chế phẩm Redoxy 3C, xe làm sạch đường hay máy nghiền cây cho các cơ quan, đơn vị thuộc UBND TP Hà Nội.
|
Văn Sơn - Pháp luật Plus