Hậu quả hành vi ông Vũ Huy Hoàng gây ra được xác định "đặc biệt lớn". Ảnh: Hoàng Hà.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao, đề nghị truy tố ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương), Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công thương) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng 7 đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Theo kết luận điều tra, tháng 8/2007 ông Hoàng được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Công Thương, lãnh đạo và quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ Công Thương: Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ và Quốc hội về quản lý ngành Công Thương; thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (trong đó có Tổng công ty Sabeco).
Ông Hoàng biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) đã được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco (là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương vốn Nhà nước chiếm 89,59 %) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê và không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, ông vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg để đầu tư dự án.
Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của bị can Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa, ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch Hội đồng quản trị) đã ký Công văn số 374 kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl, để từ đó các sở, ngành thuộc UBND TP.HCM tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín ký ban hành Quyết định số 3186 QĐ-UBND cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.
Cũng theo kết luận điều tra, ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (tháng 6/2015), dù chưa triển khai hoạt động gì nhưng đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn và sau khi nhận được 2 văn bản của nhóm các cổ đông sáng lập của Công ty Sabeco Pearl đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị được mua lại phần vốn góp này, ông Vũ Huy Hoàng đã quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty Sabeco đẩy nhanh thực hiện thủ tục thoái vốn và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần.
Bị can Hoàng bị cáo buộc không xem xét đánh giá chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung thêm chức năng căn hộ ở, thoái toàn bộ 26% vốn góp của Tổng công ty Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl.
Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Cơ quan điều tra cáo buộc với các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội nêu trên của ông Vũ Huy Hoàng, quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.080 m2 bị dịch chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.
Kết luận điều tra xác định hậu quả thiệt hại nặng nề, thất thoát và lãng phí do hành vi phạm tội của ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm gây ra cho ngân sách Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng xảy ra trong một thời gian dài từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất (ngày 30/6/2015) đến khi tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn (thời điểm khởi tố vụ án hình sự ngày 8/11/2018) là đặc biệt lớn.
Hoài Thanh