Phát hiện 3.508 sản phẩm giả mạo thương hiệu xa xỉ

14/03/2023 19:15

Kinhte&Xahoi 3.508 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc,… trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vừa bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ.

Theo thông tin Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM cho biết, ngày 10/3/2023, các Đội QLTT trên địa bàn thành phố đã tiến hành kiểm tra 15 vụ, tạm giữ 3.508 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm.

Trong đó có 11 vụ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Nike, Adidas, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Rolex,…tạm giữ 598 đơn vị sản phẩm hàng hóa và 04 vụ vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ và niêm yết giá.

Cơ quan chức năng đã phát hiện 3.508 đơn vị sản phẩm giả mạo, không rõ nguồn gốc. Ảnh Cục QLTT TP HCM

Tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh có địa chỉ 17 Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7 lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh 20 cái quần, áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas.

Kiểm tra cửa hàng kinh doanh giày dép Đức Huy III tại địa chỉ 55 đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7, phát hiện tại đây đang kinh doanh 20 đôi dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike. 

Cửa hàng MTL STORE tại địa chỉ 94 đường số 11, phường Tân Kiểng, quận 7, phát hiện 34 cái túi xách, bóp, ví có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton. 

Phát hiện 598 đơn vị sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. 

Tại cửa hàng My Nail có địa chỉ số 165 Lê Văn Lương, khu phố 2, phường Tân Kiểng, quận 7, phát hiện tại đây đang kinh doanh 90 đơn vị sản phẩm sơn móng tay, phụ kiện dán móng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel, Burberry, Louis Vuitton.

Trên địa bàn quận Phú Nhuận, quận 1, quận 12, quận 10, Đội QLTT số 4 phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu cụ thể:

Tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Thủy tại địa chỉ 153/10 đường Trương Định, Phường 9, Quận 3, phát hiện tại đây đang kinh doanh 81 cái mắt kính có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel, Porsche Design, Dior, Bvlgari, Burberry.

Tại hộ kinh doanh Watch Me.VN tại địa chỉ số 287 đường Huỳnh Văn Bánh, Phường 11, quận Phú Nhuận, phát hiện tại đây đang kinh doanh 10 cái đồng hồ đeo tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Daniel Wellington. 

Cơ sở TOC-V-N tại địa chỉ số 136 Cống Quỳnh, Phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, phát hiện tại đây đang kinh doanh 75 đơn vị sản phẩm máy hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. 

Kiểm tra Công ty TNHH Dược Thanh Thanh, địa chỉ số 42/10 Nguyễn Giản Thanh, Phường 15, quận 10. Công ty kinh doanh nhưng không niêm yết giá bán lẻ bằng đồng Việt Nam tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược. 

Tiến hành kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên thương mại tin học Bến Thành, có địa chỉ số 451/29/16 đường Tô Hiến Thành, Phường 14, quận 10, lực lượng chức năng phát hiện tại đây đang kinh doanh 105 sợi dây nguồn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Ngoài ra kiểm tra điểm kinh doanh, chứa trữ tại địa chỉ tại 59/1 đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, Quận 12, phát hiện tại đây đang kinh doanh 2.730 đơn vị sản phẩm thiết bị điện không có hóa đơn, chứng từ.

Ngoài ra tại địa bàn thuộc quản lý Đội QLTT số 9 đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng dép, tại địa chỉ Sạp 138 chợ Thủ Đức A, đường Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, thành phố Thủ Đức, phát hiện tại đây đang kinh doanh 85 đôi dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike.

Cửa hàng giày Street Style, tại địa chỉ 185 Võ Văn Ngân, Phường Linh Chiểu, Thành phố Thủ Đức, phát hiện tại đây đang kinh doanh 53 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike. 

Shop thời trang trẻ Men, tại địa chỉ 225A-227 Võ Văn Ngân, Phường Linh Chiểu, Thành phố Thủ Đức, phát hiện tại đây đang kinh doanh 89 đơn vị sản phẩm quần, áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu LV, Burberry. 

Cửa hàng giày dép Bảo Thư, địa chỉ 970 Kha Vạn Cân, Phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức, phát hiện tại đây đang kinh doanh 86 đôi giày, dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas. 

Tại cửa hàng đồng hồ Thanh, có địa chỉ sạp số 1, TTTM chợ Thủ Đức, đường Võ Văn Ngân, Phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức, đang kinh doanh 30 cái đồng hồ đeo tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Rolex.

Hiện Cục Quản lý thị trường TP HCM đã lập biên bản đối với các cơ sở vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời tạm giữ toàn bộ sản phẩm vi phạm nêu trên để tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.

Xử lý hành vi giả mạo nhãn hiệu:

Xử lý hành chính: Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi gia mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

- Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa để buôn bản kiểm lời: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định)

- Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giá so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định).

Hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).

- Về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Điều 192 BLHS quy định người nào sản xuất, buôn bản hàng giả thuộc các trường hợp được qui định thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi này là từ 07 năm đến 15 năm tù, khi có tình tiết sau:

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Làm chết 02 người trở lên.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”

- Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: (Điều 226 Bộ luật hình sự 2015)

– Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

– Trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội 02 lần trở lên, thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên, Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Xuân Thành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/phat-hien-3508-san-pham-gia-mao-thuong-hieu-xa-xi-d191216.html