Phát huy vai trò truyền thông trong bảo tồn biển

13/11/2021 10:13

Kinhte&Xahoi Thế kỷ XXI được gọi là “Thế kỷ của đại dương”, do vậy Việt Nam đã và đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh vào năm 2030. Trong đó, truyền thông được xác định là công cụ sắc bén và cũng là nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Khu bảo tồn biển ở Phú Quốc.

Bảo tồn biển - nhiệm vụ trọng tâm của địa phương

Trước những bất cập trong công tác quản lý khu bảo tồn biển (KBTB) những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp cấp bách và khẩn trương khắc phục những hạn chế.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg vào ngày 1/11/2021. Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình thành lập mới, mở rộng hệ thống KBTB, giúp phục hồi và phát triển các hệ sinh thái biển.

Bên cạnh công tác hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong công tác thành lập và quản lý KBTB, Chỉ thị cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển. Cụ thể, cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức rà soát, thẩm định, đánh giá tác động của các dự án tại các khu vực biển, đảo, tránh tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, KBTB và an ninh - quốc phòng.

Đối với cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh KBTB, chính quyền địa phương cần chủ động bố trí nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng chuyển đổi nghề từ đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản gần bờ sang các nghề khác, nhằm giảm áp lực lên KBTB, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý KBTB… Nhìn chung, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các biện pháp bảo tồn biển cần trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

Mặt khác, cùng với đề xuất bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về phí và lệ phí trong việc các bên liên quan được hưởng các lợi ích từ KBTB, Chỉ thị cũng nêu rõ việc cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống KBTB; nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho KBTB, ban hành lượng giá giá trị của các hệ sinh thái biển làm cơ sở đề xuất phương án thu chi phí dịch vụ hệ sinh thái biển tại các KBTB.

Nâng cao nhận thức bằng truyền thông hiệu quả

Bên cạnh giải pháp về khía cạnh quản lý chuyên môn, các chuyên gia khẳng định công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Như nhận định của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT, truyền thông là công cụ sắc bén và cũng là nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Đặc điểm của các KBTB là không tạo ra giá trị vật chất trực tiếp (ngoại trừ một số hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học). Tuy nhiên, giá trị về hệ sinh thái, năng suất các loài thủy sản, giá trị bảo tồn nguồn gen… mang lại từ các KBTB lại vô cùng lớn. Do vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý, người dân và các nhà quản lý cần phải hiểu được giá trị và từ đó thay đổi nhận thức về KBTB.

Trong nhiều trường hợp, người dân là những nhân tố tích cực nhất trong việc bảo tồn, giám sát, quản lý các hoạt động trong khu vực biển. Đơn cử các mô hình đồng quản lý thành công của các khu bảo tồn Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ… hướng tới thống nhất hoạt động giữa ba khối (khối Nhà nước, khối các bên liên quan trong hoạt động thực nghiệm khoa học, khối cộng đồng địa phương) đúng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nói cách khác, mô hình này kêu gọi cộng đồng cùng tham gia chia sẻ trách nhiệm quản lý và lợi ích với Nhà nước theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi.

Theo kinh nghiệm chia sẻ từ tỉnh Quảng Ninh, trong suốt 3 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, tỉnh đã chú trọng đặc biệt vào công tác nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân vùng biển, ven biển và bảo vệ biên giới, biển đảo. Điều quan trọng là cần đổi mới các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền theo hướng dễ đọc, dễ hiểu, thu hút người đọc, dễ lan tỏa trên không gian mạng; tập trung tuyên truyền sâu rộng hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển đối với hệ sinh thái, đời sống con người và sự phát triển của đất nước.

Biển là không gian mở, do đó công tác bảo tồn biển không chỉ là trách nhiệm của từng địa phương mà còn liên quan đến các địa phương khác, thậm chí cả các quốc gia khác trong khu vực. Theo đó, công tác truyền thông hiệu quả về bảo tồn biển không chỉ nâng cao ý thức của người dân, du khách, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch chấp hành pháp luật mà còn giúp công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển, di sản văn hóa.

 Đỗ Trang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/phat-huy-vai-tro-truyen-thong-trong-bao-ton-bien-d170615.html