Thành phố Hà Nội đang tiếp tục phát triển theo tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái nhờ diện tích cây xanh, mặt nước lớn.
Hội tụ nhiều yếu tố phát triển bền vững
Tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, Hà Nội được xác định sẽ là thành phố “xanh” bền vững về môi trường; đô thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; xây dựng thành phố cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới. Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg, các thị trấn huyện lỵ hiện hữu phát triển theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp.
Tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) diễn ra ngày 23 và 24-2, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã có tờ trình đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhằm xác định các định hướng quy hoạch phù hợp với thực tiễn, nhận diện những hạn chế, tồn tại; đồng thời, đề xuất một số định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống là cơ bản. Tờ trình đã nêu định hướng phát triển không gian tại các khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, thị trấn và khu vực phát triển nông thôn (khu vực hành lang xanh)…
Về định hướng phát triển đô thị sinh thái, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định, Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển đô thị xanh bền vững. Đó là lợi thế tự nhiên gồm hệ thống sông hồ dày đặc, thổ nhưỡng đặc sắc, phong phú với những vùng nông nghiệp hoàn chỉnh, tạo không gian để chuyển hóa, tái sinh vật chất dư thừa trong quá trình đô thị hóa.
Còn GS.TS.KTS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm: “Phát triển đô thị sinh thái là hết sức cần thiết, phục vụ cho phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, hiện các tiêu chí xây dựng đô thị sinh thái vẫn chưa được nêu trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta. Do đó, cần phải có những nghiên cứu sâu về đô thị sinh thái với những tiêu chí cụ thể. Mô hình thị trấn sinh thái ở mỗi khu vực đều có giải pháp khác nhau. Đối với Thủ đô Hà Nội, việc phát triển các đô thị sinh thái - thị trấn sinh thái phải theo tiêu chí phát triển bền vững trong điều kiện của Thủ đô”.
Ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh
Cũng theo GS.TS.KTS Đỗ Hậu, để hình thành được các thị trấn sinh thái làm động lực cho quá trình phát triển khu vực nông thôn, cần phải ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ kỹ thuật vật liệu sạch. Đối với Thủ đô Hà Nội, việc đưa nội dung phát triển xanh, tiêu chí xanh vào quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị là hết sức cần thiết.
Thời gian qua, nhiều khu đô thị xây dựng ở Hà Nội được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh. Nhiều dự án khu đô thị đang trong quá trình hình thành cũng hướng đến tiêu chí này với việc ưu tiên bố trí diện tích cho mặt nước, cây xanh cũng như tổ chức không gian công cộng tốt. Nhìn nhận hướng phát triển này dưới góc độ chuyên môn, PGS.TS.KTS Trần Nam, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, cảnh quan sinh thái đô thị không đơn thuần là cây xanh, mặt nước mà là một hệ thống có tính liên thông. Tại các khu đô thị mới, nhất là với những nơi có điều kiện tự nhiên, đang được ưu tiên thiết lập hệ thống cây xanh, mặt nước. Đây là điều rất tốt nhưng nên lưu ý để hệ thống này không bị đứt đoạn mà phải có sự kết nối, tạo không gian công cộng và một hệ sinh thái thực sự tốt hơn.
Cũng theo PGS.TS.KTS Trần Nam, cảnh quan sinh thái Hà Nội có thể chia làm 2 khu vực, gồm khu vực nội thành cũ (trong Vành đai 1, 2) và các khu vực phát triển mở rộng mới từ sau Vành đai 2, 3, 4). Với các khu vực nội thành cũ nên tập trung chỉnh trang, nâng cao hiệu quả sử dụng của các cảnh quan sinh thái đã có như các đoạn sông, hồ, vườn hoa, công viên... Tại khu vực mở rộng, bên cạnh giữ gìn ý tưởng vành đai xanh, chính quyền nên có các định hướng quy hoạch trước các công viên, cây xanh, mặt nước cùng với vùng đệm sinh thái của các cảnh quan đó trước khi thực hiện các quy hoạch khác.
Phát triển và nâng cao hiệu quả cảnh quan sinh thái đô thị là một tiêu chí quan trọng hướng đến xây dựng một đô thị phát triển bền vững. Với định hướng phát triển theo tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái trong tương lai gần và việc giữ gìn những giá trị cảnh quan sinh thái hiện có, gắn bảo tồn với phát triển, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Bảo Hân - Hà Nội mới