Phát triển vận tải công cộng an toàn, thân thiện môi trường

13/10/2022 08:56

Kinhte&Xahoi Việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, mô hình giao thông xanh đang được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ngành Giao thông vận tải nỗ lực chuyển đổi năng lượng xanh

 Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay. Trong quá trình hoạt động đó thì các phương tiện giao thông đã thải ra môi trường bên ngoài rất nhiều loại khí độc hại như CO, CO2, NO2, những loại khói đen…

Tùy theo từng loại động cơ và nhiên liệu mà khối lượng các chất thải độc hại chiếm tỷ lệ khác nhau trong khí xả. Những loại khí này gây ô nhiễm môi trường không khí một cách nghiêm trọng đồng thời ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội Cát Linh - Hà Đông phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm

Theo số liệu thống kê mới nhất, tại Việt Nam, lượng CO2 phát thải trong ngành giao thông vận tải ước khoảng 47.680 nghìn tấn. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2025 và 2030, con số này tăng xấp xỉ 2-2,5 lần, đạt lần lượt 65.138 nghìn tấn và 89.119 nghìn tấn.

Cụ thể, ngành vận tải đường bộ chiếm khoảng hơn 80% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2020 và 85% trong năm 2030. Ngành vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi đến năm 2030. Ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biến chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.

Đáng lo ngại, so với các nước tiên tiến trên thế giới, Việt Nam có lượng phát thải khí do các hoạt động giao thông vận tải rất cao, chủ yếu do phương tiện cũ, lạc hậu, tuổi đời cao; mạng lưới kết cấu hạ tầng có chất lượng kém, kết nối chưa thuận lợi dẫn đến nhiều điểm ách tắc giao thông; vận tải đường bộ chiếm thị phần cao.

Tính đến hết năm 2021, cả nước có hơn 4,5 triệu xe ô tô, gần 60 triệu phương tiện cá nhân hai bánh chủ yếu sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel.

Do đó, trong hai năm gần đây, ngành giao thông vận tải đã và đang rà soát và xây dựng mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Định hướng phát triển của ngành giao thông vận tải đã bám sát với những nội dung của chiến lược tăng trưởng xanh như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển giao thông vận tải đường bộ sang các phương thức giao thông vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn, có mức phát thải thấp hơn; và kiểm soát khí thải, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đối với thiết bị, phương tiện giao thông vận tải.

Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

 Thời gian qua, Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, Thành phố đang tập trung đẩy mạnh phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng, trong đó, xe buýt là nền tảng phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Hà Nội đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Triển khai các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý trật tự giao thông; tuyên truyền, vận động để người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng...

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ vận tải công cộng trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua đã được cải thiện (tăng số lượng tuyến, tăng số lượng phương tiện, mở rộng vùng phục vụ…). Đồng thời, việc đưa xe buýt điện vào sử dụng được xem là động thái thể hiện sự nỗ lực của Thủ đô nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh, giảm ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, loại hình vận tải công cộng bằng đường sắt đô thị cũng dần khẳng định được tính ưu việt bởi tốc độ, thời gian chuyến đi được đảm bảo qua đó thu hút được một lượng lớn hành khách đi lại thường xuyên.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong những địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất Việt Nam với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia, trong đó phát thải khí từ hoạt động giao thông, vận tải chiếm đến 45%.

Nhằm kiểm soát lượng phát thải này, những năm gần đây, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần kéo giảm ô nhiễm không khí, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp và hệ thống vận tải phát thải carbon thấp.

Các điểm đậu xe đạp công cộng ở khu trung tâm tại TP Hồ Chí Minh

Nhiều mô hình giao thông xanh đưa vào vận hành gần đây đã góp phần đa dạng loại hình giao thông công cộng như dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, xe buýt công cộng; đồng thời tạo thói quen đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh, đúng với định hướng phát triển giao thông bền vững, thân thiện với môi trường của thành phố…

Nhằm phát triển loại hình giao thông công cộng thân thiện môi trường, mới đây, UBND Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải cho thí điểm hoạt động năm tuyến xe buýt điện trong quý I này.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, các phương tiện hoạt động trên năm tuyến xe buýt đều là phương tiện sử dụng năng lượng sạch (điện năng) không phát khí thải ra môi trường và hạn chế được tiếng ồn của động cơ.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phat-trien-van-tai-cong-cong-an-toan-than-thien-moi-truong-207890.html