Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Ngọc Tuấn: Thực hiện Chương trình 03-CTr/TU về phát triển đô thị có sản phẩm cụ thể

15/04/2022 19:51

Kinhte&Xahoi Nhấn mạnh Chương trình 03-CTr/TU là Chương trình khó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình lưu ý ngay trong quý II và những tháng tiếp theo năm nay, các sở, ngành rà soát, khắc phục ngay những tồn tại trên tinh thần quyết liệt, khoa học, có sản phẩm cụ thể.

Sáng nay, 15/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, giai đoạn 2021-2025” chủ trì Hội nghị giao ban BCĐ Chương trình quý I/2022, phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2022.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình, các thành viên BCĐ.

Quang cảnh Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về ''Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, giai đoạn 2021-2025''

Chủ động thực hiện từ thành phố tới cơ sở

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 3 tháng đầu năm 2022, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong - Cơ quan Thường trực Chương trình cho biết, từ đầu năm đến nay, Chương trình tiếp tục được tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả. BCĐ Chương trình kịp thời ban hành Kế hoạch về tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm công tác chỉ đạo năm 2022, làm cơ sở chỉ đạo các đơn vị thực hiện Chương trình trong năm. Đồng thời, đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện những chỉ tiêu của Chương trình cũng như tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn. Từ đó, các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các chỉ tiêu, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án của Chương trình cũng đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được kết quả khả quan. 

Cụ thể, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan, trên cơ sở Kế hoạch 02-KH/BCĐ ngày 10/2/2022 của BCĐ, đã quán triệt các nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó xác định rõ trọng tâm, giải pháp, lộ trình thực hiện theo từng quý; đã phân công cụ thể đúng người, đúng việc để thực hiện. Trưởng BCĐ Chương trình đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc thực hiện dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; chỉ đạo quyết liệt công tác cải tạo, chỉnh trang các nhà biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954 trên địa bàn TP, đặc biệt công tác khởi công cải tạo chỉnh trang nhà biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, chỉnh trang tuyến phố Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm)…

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 3 tháng đầu năm 2022

Đáng chú ý, trong triển khai thực hiện quy hoạch TP Hà Nội, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai các quy hoạch của TP và các quy hoạch chuyên ngành: Trình Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6) tỷ lệ 1/5000, đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng; phê duyệt thêm 9 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc... Đồng thời, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng...

Song song đó, TP đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến. Các quận chủ động tổ chức triển khai chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh tạo không gian xanh, cảnh quan xanh trên địa bàn TP; đến tháng 3/2022, TP trồng được hơn 23.000 cây xanh các loại. Công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng cũng tiếp tục được thường xuyên duy trì, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng trên 98%; tổ chức triển khai thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội và các kế hoạch của UBND TP về triển khai thực hiện Đề án; tổ chức rà soát, kiểm tra và lựa chọn được 30 biệt thự cũ do TP quản lý, 50 biệt thự cũ do T.Ư quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.

Về nước sạch, đến nay, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho TP đạt khoảng 1.520.000m3/ngày đêm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và tỷ lệ phủ mạng tại khu vực nông thôn đạt hơn 80%. Ngoài ra, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 28,8%; 17 quận, huyện và thị xã Sơn Tây đang triển khai các nội dung liên quan để đầu tư xây dựng trong năm 2022 với tổng số 53 chợ...

Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam nêu ý kiến thảo luận

Mặc dù vậy, lãnh đạo Cơ quan Thường trực Chương trình cũng nêu ra một số vướng mắc, hạn chế cần khắc phục thời gian tới. Đó là, công tác xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản QPPL của Chương trình còn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu; việc soạn thảo, ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình còn chậm, dẫn đến kết quả thực hiện hạn chế. Một số chỉ tiêu gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần có giải pháp tập trung tháo gỡ, như: Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, phát triển kinh tế đô thị; việc nghiên cứu, soạn thảo một số văn bản QPPL chưa có văn bản hướng dẫn của cấp trên; công tác triển khai thực hiện các dự án thuộc danh mục công trình ưu tiên đầu tư triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 thuộc danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP còn chậm…

Có cách làm phù hợp, rõ người, rõ việc

Thảo luận tại đây, các thành viên BCĐ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, đã nêu ý kiến bổ sung, làm rõ những kết quả đạt được cũng như khó khăn vướng mắc, từ đó đề xuất một số giải pháp thực hiện thời gian tới. Trong đó, đề nghị tập trung xây dựng những cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Đề án đầu tư huyện lên quận; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cải tạo, chỉnh trang biệt thự và các công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954; đầu tư xây dựng 20 chợ, chỉnh trang hè đường phố; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công viên, vườn hoa…

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, các thành viên BCĐ, các quận, huyện, thị xã, sở, ngành TP đã nỗ lực vào cuộc quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị

Đặc biệt liên quan cơ chế chính sách, chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị ngay trong quý II và những tháng tiếp theo năm nay, các sở, ngành rà soát, khắc phục ngay những tồn tại hạn chế trên tinh thần quyết liệt, khoa học, hiệu quả, có sản phẩm cụ thể. Nhấn mạnh Chương trình 03-CTr/TU là chương trình khó, Trưởng BCĐ Chương trình lưu ý các đơn vị trong quá trình thực hiện phải có cách làm phù hợp, vào cuộc quyết liệt, khoa học, hiệu quả, xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

“Trước tiên, phải tập trung xây dựng hệ thống số liệu, nội dung, danh mục cụ thể về từng chỉ tiêu để dễ thực hiện, kiểm đếm, đánh giá công việc với mục tiêu hoàn thành toàn diện 19 chỉ tiêu. Với những việc khó, liên quan nhiều cấp, ngành, địa phương, các đơn vị cần sớm báo cáo BCĐ để có giải pháp, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ. Ngoài ra, việc triển khai các dự án cần rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; làm trước một số mô hình mẫu để nhân rộng, lan toả từ TP tới tận cơ sở, thôn, tổ dân phố”- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ.

Linh Nguyễn - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/thuc-hien-chuong-trinh-03-ctr-tu-ve-phat-trien-do-thi-co-san-pham-cu-the.html