Lãnh đạo thành phố và thị xã Sơn Tây dâng hương tại khu di tích Văn Miếu, xã Đường Lâm.
Dự lễ phát động có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết, vào ngày 28-11-1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên Báo Nhân Dân với tựa đề “Tết trồng cây”, phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Từ đó đến nay “Tết trồng cây" theo lời dạy của Bác Hồ đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của nhân dân ta trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố và thị xã Sơn Tây trồng cây tại khu di tích Văn Miếu, xã Đường Lâm.
Lãnh đạo thành phố và thị xã Sơn Tây trồng cây tại khuôn viên Thành cổ, thị xã Sơn Tây.
Đồng chí Nguyễn Huy Khánh cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây đã ban hành Kế hoạch tổ chức Tết trồng cây trên địa bàn thị xã. Những năm qua, thị xã luôn duy trì tốt việc tổ chức phát động trồng cây, tạo môi trường sinh thái, phát triển cây sinh vật cảnh... Nhờ đó, số lượng cây xanh trên địa bàn ngày một tăng, thị xã có tỷ lệ cây xanh cao, tăng diện tích cây xanh trên toàn địa bàn lên 1.041ha; môi trường được cải thiện, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô “Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại".
Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh đề nghị, các phòng, ban, ngành thị xã, UBND các xã, phường và nhân dân trên địa bàn tham gia trồng cây, trồng cây nào tốt cây đó; đồng thời, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần so với năm 2021, phấn đấu mỗi người dân trồng một cây xanh. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch trồng cây; chú trọng trồng cây, trồng rừng, đặc biệt trồng cây tại các khu công cộng, trường học, công sở, ven đường giao thông và phát triển cây cảnh.
Lãnh đạo thành phố động viên các em học sinh tham gia cuộc thi viết chữ đẹp trong lễ khai bút đầu năm.
“Khai bút đầu xuân năm mới là nét đẹp văn hóa dân tộc, là hoạt động có ý nghĩa linh thiêng, là một biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người dân Việt Nam. Đó là lúc tĩnh tâm viết những dòng khai bút tràn trề sinh lực, ước mong một năm mới thành công và nhiều may mắn. Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới là sự tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự ước nguyện về một năm thi cử, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý, làm chủ khoa học kỹ thuật trong thời đại mới”, đồng chí Nguyễn Huy Khánh cho biết.
Tại lễ phát động, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân; đồng thời, tham gia trồng cây tại khu di tích Văn Miếu, xã Đường Lâm và tại khu vực Thành cổ, thị xã Sơn Tây. Cũng tại lễ phát động, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã dâng hương tại khu di tích Văn Miếu; động viên các em học sinh tham gia cuộc thi viết chữ đẹp trong ngày khai bút đầu xuân tại khuôn viên khu di tích Văn Miếu.
* Ngay sau khi kết thúc Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và khai bút đầu năm Xuân Nhâm Dần, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố và thị xã Sơn Tây đã tham dự Lễ tưởng niệm 1.224 năm Ngày mất của vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương (798-2022). Các đồng chí lãnh đạo thành phố và thị xã Sơn Tây đã dâng nén hương thơm để tưởng nhớ đến công lao to lớn của vua Phùng Hưng.
Lãnh đạo thành phố và thị xã Sơn Tây tham dự Lễ tưởng niệm 1.224 năm Ngày mất của vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương (798-2022).
Lãnh đạo thành phố và thị xã Sơn Tây tham dự Lễ tưởng niệm 1.224 năm Ngày mất của vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương (798-2022).
Đình Hiệp - Hà Nội mới