Phó Thủ tướng cảnh báo tình trạng ăn thiếu rau, thừa muối ở Việt Nam
Kinhte&Xahoi
Ngày 16/10, Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng và UNICEF phối hợp tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019, Khung hành động cải thiện dinh dưỡng bà mẹ và thực hành cho trẻ ăn bổ sung ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, 30 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ rất lớn trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực dinh dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nỗ lực hơn rất nhiều để đạt được các chỉ số đã đề ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo tình trạng ăn thiếu rau, thừa muối của người Việt
Trích dẫn một con số về tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam xấp xỉ 24%, trong đó vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên lên đến 30%, Phó Thủ tướng còn bày tỏ lo ngại khi Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ cải thiện chiều cao chậm nhất trên thế giới.
Đáng ngạc nhiên nữa là mặc dù sống ở một đất nước nhiệt đới, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, nhưng có tới 57% người Việt ăn thiếu rau, thừa muối. Đó là chưa kể tình trạng thiếu - thừa vi chất, thừa dinh dưỡng.
Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhất quyết phải giảm tỷ lệ trẻ em thấp còi do suy dinh dưỡng, thiếu cân do suy dinh dưỡng, không có vi chất thiết yếu, thừa cân như mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Đồng thời, tích cực rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước, tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các chuyên gia, tổ chức quốc tế để hoàn thành các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em; nghiên cứu triển khai thí điểm những việc hết sức cụ thể để rút kinh nghiệm cải thiện dinh dưỡng đối với bà mẹ mang thai, trẻ em ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Theo Báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019 với chủ đề "Trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng", trên thế giới cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân, tương đương với khoảng hơn 200 triệu trẻ em. Cứ 3 trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi thì có 2 trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp trẻ phát triển tốt thể chất và trí não, khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển nhận thức, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ nhiễm bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp, có thể dẫn đến tử vong.
Báo cáo đã đánh giá một cách toàn diện về tình hình suy dinh dưỡng trẻ em thế kỷ 21 ở tất cả các dạng thức. Báo cáo đã miêu tả gánh nặng của ba dạng thức suy dinh dưỡng: thiếu dinh dưỡng, đói tiềm ẩn do thiếu vi chất dinh dưỡng thiết yếu, và thừa cân. Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2017, có 24 trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi; 6% trẻ em dưới 5 tuổi gầy còm; 6% trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân và hơn 50% trẻ em dưới 5 tuổi bị đói tiềm ẩn.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, chia sẻ, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong những thập kỷ qua, suy dinh dưỡng mãn tính hay thấp còi vẫn còn ở mức cao không thể chấp nhận được và tỉ lệ thừa cân sẽ còn tăng.
“Cái giá phải trả sẽ rất cao nếu không giải quyết các dạng thức suy dinh dưỡng ở trẻ em bao gồm thấp còi, nhẹ cân, gầy còm, đói tiểm ẩn, thừa cân – do đó cách đầu tư hiệu quả hơn chính là cung cấp các dịch vụ dinh dưỡng thông qua các hệ thống hỗ trợ, bao gồm hệ thống thực phẩm và chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường” - bà Rana bổ sung.
Phó Thủ tướng, bà Rana Flowers cùng nhiều đại biểu ký Tuyên bố chung
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng và nhiều đại biểu đã cùng nhau ký Tuyên bố chung cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và ăn bổ sung ở Việt Nam.