Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Kinhte&Xahoi
Hiện nay, công tác phòng chống thiên tai sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Xác định rủi ro, thách thức kép, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã đẩy mạnh các giải pháp, hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh.
Liên tiếp xuất hiện các loại hình thiên tai nguy hiểm
Thời gian vừa qua, mưa lũ cực đoan đã xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề (lũ lụt tại Châu Âu được đánh giá là thảm họa thiên tai tồi tệ nhất trong gần sáu thập kỷ; tại Trung Quốc mưa lớn liên tiếp gây lũ lụt nghiêm trọng).
Ở nước ta, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, giông lốc, 5 đợt không khí lạnh, gió mùa đông, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông.
Tính đến hết tháng 5/2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4.300 nhà bị sập đổ, hư hỏng; gây thiệt hại trên 32.000 ha lúa, hoa màu; 6.583m đường giao thông sạt lở; 15.945 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng.
Hiện trường vụ sạt lở tại xã Khâu Tinh, huyện Na Hang, Tuyên Quang đêm 23/8 vừa qua
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai tiếp tục có xu thế ngày càng bất thường, lưu vực sông Đà có khả năng xuất hiện lũ lớn vào cuối mùa lũ, nguy cơ rủi ro cao khi các hồ không còn khả năng cắt lũ. Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đang phải thực hiện giãn cách xã hội và ưu tiên tối đa cho phòng chống dịch.
Sẵn sàng các phương án trong mọi tình huống
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành văn bản số 1100/TTg-NN về việc chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo đó, văn bản nêu rõ: Để chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ, bão lớn tại khu vực bị dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có.
Chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Thời gian tới, các địa phương cần phải chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Đối với Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ Quốc phòng, Công an cần chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo để các cấp, các ngành và nhân dân biết chủ động ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn để điều, đập, hồ chứa nước, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy lợi, thủy điện, phù hợp với diễn biến mưa lũ.
Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai; phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh đối với công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương có dịch.
Các tỉnh, thành phố có để tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để điều, triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm bảo đảm an toàn cho dân cư vùng bãi sông trong trường hợp xảy ra lũ lớn theo phương châm “bốn tại chỗ” và đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều, tổ chức giải tỏa bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng xây dựng trái phép ở lòng, bãi sông gây cản trở thoát lũ.
Khắc Nam - TTTĐ