Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Làm rõ tình trạng cửa hàng bán xăng dầu đóng cửa, "găm" hàng

16/03/2022 19:06

Kinhte&Xahoi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, chúng ta có đầy đủ công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ, đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Về dài hạn, dứt khoát ta phải tự chủ, đẩy mạnh sản xuất xăng dầu trong nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

Dứt khoát phải tự chủ, đẩy mạnh sản xuất xăng dầu trong nước

 Báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề của ngành Công thương tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, mặt hàng xăng dầu chưa có tự chủ nguồn, vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu rất nhiều.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay mới có 2 nhà máy là Bình Sơn (35%, 7 triệu tấn xăng dầu 1 năm) và đưa vào sản xuất từ năm 2009, Nghi Sơn đưa vào năm 2018. Cả hai nhà máy đạt được khoảng 13 triệu tấn xăng dầu/năm, trong khi nhu cầu cỡ 20 - 21 triệu tấn/năm. Như vậy, khi xăng dầu thế giới tăng thì xăng dầu trong nước tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu vì dầu thô của ta chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định, dự trữ xăng dầu trong thời gian vừa qua là đáp ứng được yêu cầu với nguồn dự trữ hiện nay là 3 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu của tháng là 1,8 triệu tấn.

Lý giải về tình trạng cây xăng đóng cửa không bán hàng, giá tăng liên tục trong mấy kỳ liền, Phó Thủ tướng cho biết, ngoài sản lượng sản xuất suy giảm còn do điều phối giữa các kênh phân phối chưa làm tốt. Tuy tỷ lệ này nhỏ nhưng ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến tâm lý của người dân và người tiêu dùng là không cẩn thận thì sẽ thiếu xăng dầu.

Toàn cảnh phiên chất vấn

“Dự trữ, nhập khẩu, sản xuất có khoảng 3 triệu tấn thì nguyên nhân chính là điều phối phối hợp giữa nhà phân phối cấp 1, 2 và 3 với cửa hàng xăng dầu là có vấn đề. Cái này phải làm rõ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, trước mắt Chính phủ đã họp trực tiếp điều chỉnh, điều hành 3 lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và khâu phân phối. Sản xuất thì nhà máy Bình Sơn đã tăng sản xuất lên 105%. Nghi Sơn đã có cam kết phục hồi trở lại. Nhập khẩu thì Bộ Công thương cũng đã có văn bản phân cho các ngành, các nhà phân phối nhập khẩu lên khoảng 2,4 triệu tấn; Xuất khẩu và nhập khẩu đã kiểm soát; Bảo đảm cơ số dự trữ 2, 3 tháng cho xăng dầu.

Cùng với đó, Chính phủ đã giao cho thanh tra, các cơ quan pháp luật phải làm rõ việc dự trữ có đang làm đúng quy định không. Việc đóng cửa một số cửa hàng phải làm rõ nguyên nhân trách nhiệm để xử lý cho bằng được. Chính phủ đã giao Bộ Công thương thanh tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật rà soát, vào cuộc.

Nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng phải kiểm soát và bình ổn, Phó Thủ tướng cam kết, cố gắng không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng đến sản xuất, kiểm soát lạm phát. Chính phủ đã thực hiện một loạt các giải pháp như sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm phí và có nghị quyết báo cáo cấp thẩm quyền rà soát giảm thuế phù hợp. Nếu giá dầu tiếp tục tăng thì chúng ta có cơ chế chính sách hỗ trợ các đối tượng để đảm bảo sao cho sản xuất ổn định, giá thành ổn định.

“Tinh thần vừa điều hành trong cơ chế thị trường nhưng vừa phải đảm bảo ổn định được kinh tế vĩ mô và ổn định đời sống dân sinh”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về giải pháp dài hơi, Phó Thủ tướng cho rằng, dứt khoát phải làm chủ xăng dầu và sản xuất trong nước. Chính phủ đã làm việc với tập đoàn dầu khí khẩn trương xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu. Hiện nay tập đoàn dầu khí cũng đã triển khai, làm sao trong 10 tháng xong thủ tục đầu tư và nếu có 10 triệu sản xuất cộng với 13 triệu nữa thì có 23 triệu.

Ngoài ra cũng cần tăng thêm khoan dầu, khai thác dầu thô. Hiện mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ cho sản xuất xăng dầu. “Tôi đã làm việc trực tiếp với tập đoàn xăng dầu về việc điều chỉnh một số cơ chế, chính sách khoan được dầu để phục vụ sản xuất chứ không xuất khẩu nữa”, Phó Thủ tướng thông tin.

Xăng giả khiến ô tô, xe máy đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy

 Tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian gần đây hoạt động buôn lậu hàng hóa, hàng cấm, hàng giả không chỉ ra tăng trên không gian mạng mà còn trên mọi mặt; Đặc biệt là các loại thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch, xảy ra ở quy mô lớn, tại nhiều địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Ảnh: QH)

Bộ trưởng Tô Lâm nêu ra tình hình buôn lậu, đầu cơ xăng dầu ở biên giới diễn biến rất phức tạp. Bộ Công an đã nỗ lực ngăn chặn và bóc gỡ nhiều đường dây từ vụ buôn lậu ở Đồng Tháp, Sóc Trăng và Đồng Nai, các vụ này gây thiệt hại lớn cho nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu xăng dầu chính thức.

"Có cả việc sản xuất xăng giả, dẫn đến tình trạng ô tô, xe máy đổ xăng này, đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy. Do đó vừa rồi, chúng tôi cũng giải quyết, tháo gỡ căn bản được các vụ, điển hình nhất là vụ triệt phá đường dây ở Đồng Nai", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Làm rõ thêm về đại án buôn lậu xăng dầu ở Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra giai đoạn 1 để chuẩn bị đưa ra xét xử và tiếp tục mở rộng giai đoạn 2. Trong giai đoạn 1 đã bắt, xử lý 100 bị can và phối hợp xử lý một số cán bộ trong quân đội, hải quan. Trong đó 99 bị can về tội buôn lậu, 1 bị can về tội nhận hối lộ.

Cơ quan chức năng đã tạm giữ 2,5 triệu lít xăng, kê biên tạm giữ 16 tàu thủy và nhiều phương tiện khác; Tạm giữ tiền mặt là 212 tỉ đồng, gần 300.000 USD và phong tỏa 30 tài khoản với số tiền gần 100 tỉ đồng cùng nhiều tài sản nhà đất có giá trị khác.

Về giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều các giải pháp như tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các vi phạm, tội phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và hàng vật tư, trang thiết bị y tế; Huy động tối đa các lực lượng để tăng cường cho các cơ sở; Xác định rõ những địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm cầm đầu các đường dây buôn lậu sản xuất kinh doanh hàng cấm, hàng giả để tập trung đấu tranh...

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/lam-ro-tinh-trang-cua-hang-ban-xang-dau-dong-cua-gam-hang-191977.html