Trạm Y tế xã Tân Ước, huyện Thanh Oai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Ảnh: Đỗ Hà
Nơi quyết liệt, chỗ lơ là!
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại huyện Thanh Oai, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng dịch bệnh do Covid-19, huyện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành liên tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Khánh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết: Đến ngày 15-2, huyện đã tổ chức 3 đợt vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng tại tất cả trường học, nhóm lớp tư thục, chợ dân sinh… 100% xã, thị trấn dừng tổ chức lễ hội, 100% trạm y tế các xã, thị trấn hoàn thành việc bố trí phòng cách ly, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Tương tự, từ ngày 5-2 đến nay, người dân các xã, phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây phối hợp lực lượng đoàn viên, thanh niên tiến hành tổng vệ sinh môi trường; thị xã liên tục thực hiện khử khuẩn tại 202 điểm công cộng và trường học trên địa bàn. Còn tại huyện Ba Vì - địa phương có nhiều người đi lao động, công tác tại Trung Quốc trở về nên việc cách ly tại nhà; thực hiện khử khuẩn tại các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch bệnh được huyện chú trọng... Tính đến ngày 14-2, trên địa bàn huyện có 19/29 trường hợp đi từ vùng dịch về đã hết thời gian theo dõi 14 ngày, còn 10 trường hợp đang được cách ly, theo dõi tại cộng đồng.
Trong khi đó, tại huyện Hoài Đức, từ ngày 31-1 đến nay, 20/20 xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền thông tin liên quan đến dịch bệnh, cách phòng ngừa 3 lần/ngày trên hệ thống đài truyền thanh, phát 100.000 tờ rơi cho các cơ quan, đơn vị, các hộ dân. Còn tại huyện Quốc Oai, nhiều xã đã mua khẩu trang, xà phòng, nước rửa tay khô cấp cho các phòng, ban, cơ quan, trường học, đồng thời yêu cầu cán bộ UBND xã phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người dân.
Mặc dù phần lớn các huyện, thị xã đã triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng "trên nóng, dưới nguội". Cụ thể, vẫn còn một số xã, phường, thị trấn, cơ quan chức năng và người dân ở nhiều địa phương còn thờ ơ trước việc phòng, chống dịch bệnh. Đơn cử, mục sở thị tại huyện Thường Tín, 10h sáng 11-2, tại trụ sở UBND huyện, cả hai nhân viên bảo vệ đều không dùng khẩu trang khi tiếp xúc với công dân. Nhân viên bộ phận hành chính Phòng Y tế huyện cũng không đeo khẩu trang.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, ngoại trừ nhân viên y tế, hầu hết bệnh nhân và người nhà đều không đeo khẩu trang. Ở một số cửa hàng bán đồ ăn quanh thị trấn Thường Tín, khách khá đông, song từ nhân viên bán hàng đến thực khách, không mấy người quan tâm đến việc đeo khẩu trang.
Tại một số xã ở các huyện: Ba Vì, Hoài Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ… mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 được các huyện triển khai rất bài bản, luôn khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, song ghi nhận thực tế cho thấy rất ít người dân thực hiện.
Cán bộ bộ phận “một cửa” xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với công dân. Ảnh: Đỗ Hà
Khắc phục ngay những bất cập
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Cần, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Vì thừa nhận vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân chưa thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 như không đeo khẩu trang tại nơi đông người.
Còn ông Nguyễn Hữu Cương, Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) cho biết, khó nhất hiện nay là khẩu trang y tế chất lượng khó được kiểm soát, đối với nước rửa tay khô, dung dịch sát khuẩn giá cũng cao gấp 3-4 lần so với bình thường nên nhiều người không thể mua để sử dụng.
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây cho hay: Mặc dù Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các xã, phường thường xuyên khuyến cáo tiểu thương đeo khẩu trang khi bán hàng và rửa tay thường xuyên, nhưng nhiều người vẫn không chấp hành.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức cho biết: Để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng khan hiếm, tăng giá khẩu trang, dung dịch rửa tay khô, dung dịch sát khuẩn để mọi người dân đều mua được và sử dụng. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác rà soát, cách ly những trường hợp đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc người bị bệnh.
Nhấn mạnh quyết tâm phòng, chống dịch bệnh, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 thành phố vừa diễn ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 lưu ý: Hà Nội tiếp giáp Vĩnh Phúc nên vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục chủ động, tăng cường rà soát, khoanh vùng để giám sát, cách ly những trường hợp nghi nhiễm; nâng cao tinh thần kiểm soát, không bỏ qua bất cứ nguy cơ nào có thể xảy ra trên địa bàn.
Hy vọng, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 thành phố và nỗ lực của các huyện, thị xã, những tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương sớm được khắc phục.