Vị trí sạt lở nằm tại Km 136+950, trên Quốc lộ 12A, đoạn qua xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; ngay trước cửa Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Quốc lộ 12A bị nứt gãy do sạt lở.
Tại hiện trường, quả đồi sụp xuống khiến Quốc lộ 12A nứt gãy, bong tróc, hư hỏng nghiêm trọng.
Ngay sau khi nắm được thông tin, cơ quan chức năng tại huyện Minh Hóa đã khẩn trương cấm đường cả 2 chiều, ngăn không cho người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
Khu vực trước cửa Đồn Biên phòng Cha Lo vỡ toác như bị động đất.
Về phía Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, trong sáng nay, đoàn công tác của đơn vị này đã đến hiện trường để tiến hành nắm bắt tình hình, xử lý sự cố sạt lở. Theo ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, hiện vẫn chưa thể xác định các phương án kỹ thuật để khắc phục tuyến đường bị sạt lở này.
Đoàn công tác của Sở Giao thông vận tải đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra tình hình, lên phương án khắc phục.
Cũng do sự cố sạt lở, hiện rất nhiều phương tiện, đặc biệt là người dân vừa nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã bị tắc lại, chưa thể về xuôi.
Không chỉ trên tuyến Quốc lộ 12A, mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến tỉnh lộ và đường liên huyện, liên xã tại Quảng Bình bị sạt lở, ngập cục bộ. Hiện tại, lượng mưa vẫn đang rất cao nên nguy cơ sụt trượt tại các đoạn tuyến khu vực miền núi vẫn đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các vị trí đã sụt trượt trước đó.
Nhiều tuyến đường tại Quảng Bình cũng đang bị sạt lở đất, đá nghiêm trọng
Đến sáng nay 20/10, lũ trên các sông tại Quảng Bình đang xuống chậm và vẫn ở mức rất cao, mực nước trên sông Gianh tại Đồng Tâm trên báo động I là 1.47m và tại Mai Hóa trên báo động II là 0.71m. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy trên BĐ III 1.63m, trên lũ lịch sử năm 1979 là 0.42m.
Theo thống kê từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đợt mưa lũ này đã khiến hơn 96 ngàn căn nhà bị ngập sâu. Trong đó các huyện có số lượng nhà ngập trong nước nhiều nhất là Lệ Thủy, Quảng Ninh và thị xã Ba Đồn.
Nước lũ tại Quảng Bình bắt đầu xuống chậm, tuy nhiên hàng ngàn căn nhà vẫn ngập sâu.
Ngoài ra mưa lũ cũng đã làm 4 người chết, 9 người bị thương, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt. Cuộc sống người dân Quảng Bình tại các vùng ngập lũ đang hết sức khó khăn, thiếu thốn về nước uống, nhu yếu phẩm cũng như áo phao…
Trong những ngày qua, chính quyền các địa phương tại Quảng Bình cũng như lực lượng công an, BĐBP và các tình nguyện viên, người dân có thuyền, bè đã phối hợp ứng cứu, di dời đến nơi an toàn hơn 23 ngàn hộ dân.
Hiện lực lượng chức năng tại Quảng Bình vẫn đang tiếp tục căng mình cùng người dân ứng phó với lũ
Hiện lực lượng chức năng tại Quảng Bình vẫn đang tiếp tục căng mình cùng người dân ứng phó với lũ, đưa người tại vùng nguy hiểm ra ngoài, đồng thời nhanh chóng cứu trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho bà con.
Mưa lũ tại Kon Tum đã khiến 3 người tử vong
Ngày 20/10, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cho biết, mưa lũ trong thời gian qua đã khiến làm 3 người tử vong (1 người ở huyện Tu Mơ Rông và 1 thượng uý biên phòng Đồn 663 đều tử vong ngày 11/10, 1 bé trai 13 tuổi ở TP Kon Tum tử vong ngày 18/10).
Đồng thời, mưa lũ kéo dài đã gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum gồm: 102 căn nhà bị hư hại, hơn 200 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, 14 công trình thủy lợi bị hư hỏng, các tuyến đường bị sạt lở hàng trăm điểm, gây ách tắc giao thông… tổng giá trị thiệt hại gần 45 tỷ đồng.
Người dân cùng với chính quyền chung tay khắc phục hậu quả do mưa bão
Các tuyến đường QL24, QL14C, QL40, Tỉnh lộ 675, Tỉnh lộ 677...bị sạt ta luy dương, ta luy âm hàng chục vị trí với khối lượng hơn 135 triệu m2 đất đá. Ngoài ra, mưa lớn còn làm nhiều cầu, cống, ngầm, rãnh thoát nước bị hỏng, sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn các huyện của tỉnh Kon Tum.
Hiện UBND tỉnh Kon Tum đã có Công văn số 3924/UBND-NNTN về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, yêu cầu các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động rà soát, kiểm tra và triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng quản lý nhà nước được giao của ngành, đơn vị mình. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; bám sát địa bàn phân công, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…
Phạm Hoàng
|
Tiến Thành - Theo Dân Trí