Quảng Nam phấn đấu đạt hơn 68.000 tỷ đồng từ bán lẻ, doanh thu dịch vụ. (Ảnh: N.Tuấn).
Chiều ngày 10/1, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công thương.
Trong năm 2022, ngành Công thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu: sản lượng than sạch đạt 145.000 tấn; quần áo may sẵn đạt 180 triệu cái; bia các loại đạt 77 triệu lít; gạch men đạt 29 triệu m2 ; điện sản xuất đạt 3.960 triệu kWh; Ô tô lắp ráp các loại đạt 112.927 chiếc; giày dép các loại đạt 21 triệu đôi. Trong hoạt động Thương mại tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022: 68.603 tỷ đồng, tăng so với 15% so với ước thực hiện năm 2021.
Được biết, trong năm 2021, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 7,9%; công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 3,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,3% và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 13,9%. Sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 4,4 tỷ kWh, tăng 21% so với năm 2020, đạt 118% kế hoạch. Sản lượng điện tiêu thụ đạt hơn 2,4 tỷ kWh, tăng 1,4% so với năm 2020.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 đạt trên 53,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 42,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 3,2% so với năm trước và doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt gần 6,5 nghìn tỷ đồng (-2,7%); doanh thu dịch vụ lữ hành đạt gần 11 tỷ đồng (-81%); doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt gần 4,6 nghìn tỷ đồng (-0,4%).
Tại hội nghị, ngoài những nguyên nhân khách quan về yếu tố dịch bệnh, thiên tai gây khó khăn cho KT-XH nói chung, ngành Công thương nói riêng, các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế về mặt chủ quan trong quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành:
Thương mại nội địa phát triển tự phát, phân tán và quy mô nhỏ, chưa thiết lập được mối liên kết lâu dài giữa sản xuất và lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ; hạ tầng thương mại bán lẻ tăng chậm và phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các khu đô thị; công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa được các địa phương quan tâm đúng mức; các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách để hoàn chỉnh CSHT, dẫn đến các CCN đầu tư dỡ dang, không đồng bộ; chưa có các giải pháp căn cơ để xử lý các DN sản xuất cầm chừng, kém hiệu quả hoặc không còn hoạt động; hình thức giao DN làm chủ đầu tư, quản lý và kinh doanh CSHT CCN chưa phát huy hiệu quả…
Nguyễn Tuấn - Pháp luật Plus