Quảng Ninh tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán

30/01/2022 10:14

Kinhte&Xahoi Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, ngày 28/1, UBND tỉnh ban hành Công văn số 661/UBND-VX1 về việc triển khai thực hiện Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch.

Tại Công văn, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Du lịch; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện như sau:

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8/12/2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 16/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh về việc đảm bảo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đối với hoạt động lễ hội truyền thống: Không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động lễ hội trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Trung tâm Văn hoá Lễ Hội tại Yên Tử không một bóng người do ảnh hưởng của đại dịch (ảnh tư liệu).

Quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí (chiếu phim, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, tổ chức ngày lễ kỷ niệm...) theo Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021, Công văn số 130/BVHTTDL-TCTDTT ngày 13/01/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế, phù hợp với tình hình diễn biến dịch, bệnh trên địa bàn theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia.

Sở Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hướng dẫn các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm; yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Đẩy manh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân vui Xuân, đón Tết.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đảm bảo phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình dịch bệnh Covid-19 tại mỗi địa phương.

Tại một diễn biến khác, theo ghi nhận, trong ngày 29/1 tức ngày 27 Tết Quảng Ninh ghi nhận 212 ca F0 tại 9 địa phương trong tỉnh.

Cụ thể, theo báo cáo cập nhật dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh, 24h qua tính đến 16h ngày 29/1, toàn tỉnh ghi nhận 212 ca mắc Covid-19 mới (50 ca đã quản lý cách ly, 162 ca cộng đồng). Trong đó, Hạ Long 60 ca; Cẩm Phả 57 ca; Uông Bí 30 ca; Tiên Yên 25 ca; Đông Triều 18 ca; Quảng Yên 17 ca; Móng Cái 3 ca; Ba Chẽ 1 ca; Đầm Hà 1 ca.

Số ca mắc có xu hướng giảm trong tuần trước, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng sẽ có nguy cơ tăng cao trở lại sau kỳ nghỉ Tết.

Người dân cân nhắc sử dụng các dịch vụ và hoạt động phải bỏ khẩu trang như đám cưới, liên hoan, quán nước… Đảm bảo thực hiện tốt 5K và tuân thủ tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt đối tượng người bệnh lý nền, người già.

Khuyến khích người dân chủ động thực hiện test nhanh để phát hiện sớm nếu có lịch trình di chuyển, tiếp xúc phức tạp, người có triệu chứng bất thường...

Trong dịp Tết Nguyên đán, các địa phương giám sát chặt chẽ người dân từ các địa phương có dịch trở về, đặc biệt ở vùng 3 và vùng 4, không được chủ quan, lơ là, luôn cập nhật tình hình dịch bệnh, chủ động khoanh vùng xử lý dịch gọn khi ghi nhận ca dương tính. 

 Đại Văn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quang-ninh-tam-dung-to-chuc-cac-loai-hinh-le-hoi-va-hoat-dong-ban-phao-hoa-no-trong-dip-tet-nguyen-dan-d175666.html