Với 454/474 (91,16%) Đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường tán thành thông qua Luật Cảnh sát cơ động
Ngày 14/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, với với 454/474 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,16% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động.
Ảnh minh họa - Nguồn TTXVN
Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định vị trí của cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động trong dự thảo Luật. Đây chính là đặc thù và sự khác biệt của cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân.
Phạm vi, địa bàn hoạt động của cảnh sát cơ động trước hết phải theo quy định của Luật Công an nhân dân và được cụ thể hóa trong dự thảo Luật, đồng thời được phân định bởi các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam).
Đối với các nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chủ trì, cảnh sát cơ động sẽ chỉ phối hợp thực hiện khi được yêu cầu tham gia giải quyết vụ việc.
Đối với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thông thường thì cảnh sát cơ động không có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Chỉ trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm ngay tức khắc đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà cảnh sát cơ động không đủ điều kiện ngăn chặn, xử lý, nếu không huy động thì nguy cơ xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, cho xã hội. Quyền huy động của cảnh sát cơ động chỉ được thực hiện trong những trường hợp này.
Tường Vân - Pháp luật Plus