Quý II/2022, Hà Nội tập trung phát triển các ngành kinh tế tiềm năng

06/04/2022 18:57

Kinhte&Xahoi Chiều 6/4, Văn phòng UBND TP phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022.

Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng và Phó Giám đốc Phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng đồng chủ trì buổi họp báo. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các sở, ngành, một số quận, huyện liên quan.

Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng phát biểu tại Hội nghị

Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng cho biết: "Với sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương, đến thời điểm này có thể đánh giá, khẳng định thành phố đã bước qua đỉnh dịch COVID-19. Số ca mắc trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh (giảm khoảng 45% so với kỳ báo cáo trước).

Thành phố từng bước kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh; quan trọng đã thực hiện tốt các mục tiêu cốt lõi trong công tác phòng chống dịch; tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong giảm; đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng mũi 2,3; tăng cường ứng dụng CNTT, giải quyết cơ bản TTHC cho người dân.

Công tác truyền thông nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng dịch của người dân được chú trọng.

Bắt đầu từ sáng ngày 6/4/2022, các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đã được đi học trực tiếp trở lại tại cả 30 quận, huyện, thị xã, trên cơ sở kiểm soát dịch và sự tự nguyện, đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh.


Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế thành phố những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, tích cực, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi, phát triển sau ảnh hưởng của dịch COVID-19".

Toàn cảnh cuộc họp báo

Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng 5,83% - gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), gấp 3,1 lần TP Hồ Chí Minh (1,88%), đúng với kịch bản tăng trưởng đề ra (từ 5,7- 6,2%), trong đó: Dịch vụ tăng 6,15%, Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%.

Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đã tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đáng chú ý, các cân đối lớn được đảm bảo, thu đảm bảo chi, cụ thể: Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện quý I là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Về giải ngân xây dựng cơ bản, tính đến hết ngày 31/3/2022, toàn thành phố giải ngân được 4.111 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ).

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của thành phố đều tăng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp; Kim ngạch xuất, nhập khẩu; Tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II/2022, tại Hội nghị giao ban trực tuyến UBND thành phố quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II/2022, đồng chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong Quý I, thực hiện các nhiệm vụ đề ra từ đầu năm.

Đồng thời, TP bám sát diễn biến thị trường thế giới và xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine để dự báo tình hình và kịp thời có giải để dự báo tình hình và kịp thời có giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Các cấp, ngành, địa phương, đứng đầu là cấp trưởng các đơn vị cần quyết tâm, nỗ lực hơn, tập trung triển khai công việc một cách trọng tâm, trọng điểm, chọn việc và giải quyết dứt điểm các công việc có tác động lan tỏa ngay đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong điều hành chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các ngành, các cấp tập trung bám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng đặt ra với địa bàn Thủ đô; các quyết định, quy định mới của UBND Thành phố.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5; Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ phục vụ tổ chức thành công SEA Games 31: từ khâu tổ chức, đảm bảo tốt nhất về điều kiện, cơ sở vật chất, nhà thi đấu đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội....

Ngoài ra, các đơn vị tập trung phát triển các ngành kinh tế tiềm năng; thúc đẩy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng như: Dịch vụ (quý I tăng 6,15% - gấp 1,34 lần mức tăng của cả nước (4,58%); Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61% - bằng 0,88 lần mức tăng của cả nước (6,38%). Đẩy mạnh xuất nhập khẩu; chủ động có phương án triển khai kế hoạch đầu tư năm 2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Tiếp đó, thành phố cần tháo gỡ ngay các khó khăn cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm khơi thông nguồn lực, kích cầu đầu tư.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại tố cáo tại cơ sở, tránh phát sinh thành “điểm nóng”, đoàn khiếu kiện đông người tập trung tại trụ sở các cơ quan Trung ương và thành phố, đặc biệt tại các kỳ cuộc quan trọng của Trung ương và thành phố.

Đảm bảo nguyên tắc mọi đơn thư, khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải được giải quyết đúng pháp luật ngay từ khi phát sinh, không cố tình kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc dư luận, mất ổn định xã hội; coi kết quả này là tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, tổ chức...

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn tin: https://tuoitrethudo.com.vn/quy-ii2022-ha-noi-tap-trung-phat-trien-cac-nganh-kinh-te-tiem-nang-193492.html