Quảng cáo mỹ phẩm như “thuốc chữa bệnh”
Hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu MQ Skin được bán rầm rộ với những quảng cáo “có cánh” như thuốc chữa bệnh khiến nhiều người tiêu dùng “sập bẫy”.
Tiếp đến, trong quá trình thu thập thông tin chúng tôi phát hiện trên website: www.tapdoanmqskin.com, www.mqgroup.com.vn, rất nhiều hình ảnh các hình ảnh sản phẩm nhãn hiệu MQ Skin nhưng lại được ghi là: Trị mụn rỗ, nám, tàn nhang, da không đều màu, se khít lỗ chân lông, thải độc gấp 5 lần so với những loại kem bình thường, trị da hư tổn do dùng thuốc rượu, kem chứa corticoid, chất tẩy… Cần làm rõ tính chân thật của những thông tin này. Bởi theo quy định những từ như: Trị; Điều trị,… không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên cho sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Và theo một số chuyên gia pháp lí, Luật Quảng cáo năm 2012 đã có quy định cấm đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng kí hoặc đã được công bố.
Sản phẩm mỹ phẫm nhãn hiệu MQ Skin được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. (Ảnh: PV)
Bên cạnh đó, tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố.... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
MQ Skin có liên quan tới Thẩm mỹ viện Lọ Lem và TMV Quốc tế Euro?
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ ngày 11 đến 15 tháng 3 năm 2019, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt hành chính với nhiều cá nhân, công ty có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Trong đó, đơn vị này đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ tại 280 Lê Văn Sỹ, phường 14, Quận 3, TP.HCM số tiền 38.700.000 đồng, với các hành vi vi phạm như: Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận nội dung trước, hoạt động không có biển hiệu, lập hồ sơ, bệnh án nhưng chưa ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM buộc cơ sở này khắc phục hậu quả bằng việc tháo gỡ những quảng cáo đã vi phạm.
Ngay sau đó (19/4/2019), Báo Thương hiệu và Công luận Điện tử (nay là Tạp chí Thương hiệu và Công luận Điện tử) đã có bài viết về việc này. Theo đó, tại thời điểm bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử phạt hành chính, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ (TP.HCM) do ông Đỗ Minh Quân làm giám đốc, có 2 cơ sở TMV trực thuộc là TMV Lọ Lem (số 280, phường 14, Quận 3, TP. HCM) và TMV quốc tế Euro (số 215 đường 3/2, phường 11, Quận 10, TP. HCM), cả hai cơ sở đều quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn không phép. Riêng TMV quốc tế Euro hiện tại chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
TMV quốc tế Euro (số 215 đường 3/2, phường 11, Quận 10, TP. HCM) tại thời điểm bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt hành chính. (Ảnh: PV)
Ngày 16/4/2019, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Đỗ Minh Quân, chủ TMV Euro xác nhận: “hiện cơ sở TMV quốc tế Euro chưa được cấp giấy phép hoạt động. Cơ sở chỉ thực hiện chăm sóc da thông thường, như mát xa, thư giãn, xông hơi…”. Đồng thời, ông Quân cũng khẳng định cơ sở mình chưa đủ các điều kiện để thực hiện tiêm, chích filler và cả các phẫu thuật khác.
Trả lời việc cơ sở TMV Quốc tế Euro chưa được cấp phép hoạt động nhưng đã treo biển quảng cáo với nhiều thông tin làm đẹp, các dịch vụ tại cơ sở? ông Quân đưa ra lý do: “mục đích là chúng tôi muốn đem khách hàng từ cơ sở này giới thiệu sang TMV Lọ Lem thuộc hệ thống để thực hiện”.
Cũng tại buổi làm việc, ông Đỗ Minh Quân giải thích việc quảng cáo tiêm mỹ phẩm chất làm đầy như “thần dược” là do TMV thuê đơn vị ngoài làm quảng cáo trên website, nên có chữ “thần dược filler” nhằm tạo niềm tin, thu hút khách hàng.
Về mặt pháp lý của cơ sở, ông Quân cho biết TMV Lọ Lem là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ, do bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Tâm phụ trách chuyên môn, nhưng hiện tại cơ sở này vẫn chưa được cấp phép quảng cáo. Đồng thời, ông Quân cũng cho biết, tháng 3 vừa qua TMV Lọ Lem bị Thanh tra Sở y tế TP.HCM xử phạt gần 40 triệu đồng về hoạt động không có biển hiệu, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa được cơ quan chức năng cho phép…
Viện thẩm mỹ Lo Lem tại thời điểm ngày 20/01/2010. (Ảnh: PV)
Theo tìm hiểu của phóng viên, các cơ quan chức năng khẳng định, hiện tại việc sử dụng chất làm đầy như Filler, Botox, các tế bào động vật phục vụ làm đẹp vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép cho bất cứ cơ sở gồm spa, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ trên cả nước. Do đó việc quảng cáo và thực hiện dịch vụ bằng tế bào gốc là không đảm bảo quy định pháp lý, coi thường sức khỏe khách hàng, qua mặt cơ quan chức năng.
2 sản phẩm đều ghi số phiếu công bố 002559/19/CBMP – HCM. (Ảnh: PV)
Cơ sở TMV Lọ Lem (số 280, phường 14, Quận 3, TP. HCM) và TMV quốc tế Euro (số 215 đường 3/2, phường 11, Quận 10, TP. HCM) tại thời điểm bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt hành chính (giữa tháng 3/2019) và 2 sản phẩm đều ghi số phiếu công bố 002559/19/CBMP – HCM là: MQ Skin Ginseng Repair Serum (Tinh chất nhân sâm tái tạo da) và MQ Skin Ginseng Repair Serum Premium – (Tinh chất nhân sâm tái tạo da cao cấp) đều của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ (TP.HCM) do ông Đỗ Minh Quân làm giám đốc?!
Hiện tại, phóng viên đã liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm câu trả lời. THCLsẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Hoàng Dương - Nguyễn Tùng - Theo TH&CL