Sáng 26/9, Thủ tướng đối thoại trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương
Kinhte&Xahoi
Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 dự kiến tổ chức vào sáng 26/9.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)
Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tham dự hội nghị còn có các thành viên Thường trực Chính phủ cùng các đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp...
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp, truyền trực tuyến từ đầu cầu chính được đặt tại Văn phòng Chính phủ tới 63 đầu cầu trên cả nước.
Hội nghị được thực hiện theo đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh sống chung với đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ giao VCCI chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hội nghị với nội dung chủ yếu như: Báo cáo về tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, các khó khăn, vướng mắc và các đề xuất giải pháp, kiến nghị đột phá; báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.
Trước đó, ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với đại diện các doanh nghiệp, cùng các địa phương bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thời gian qua, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh miền Nam đã làm các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể kéo dài.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng năm nay, có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, 43,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.
Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Đặc biệt, riêng TP HCM có 24 nghìn doanh nghiệp đóng cửa trong 8 tháng năm nay, (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%.
Hậu Lộc - TTTĐ