Sáng nay (5/9), 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới

05/09/2022 07:33

Kinhte&Xahoi Sáng nay (5/9), khoảng 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".

Học sinh háo hức đến trường dự lễ khai giảng năm học mới

 Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 trên cả nước diễn ra sáng 5/9/2022, sau hai năm ngành Giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học mới toàn ngành vẫn đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi giáo viên, học sinh nỗ lực, đổi mới sáng tạo để đạt mục tiêu đề ra.

Năm học 2022 - 2023 toàn ngành giáo dục có tổng số gần 23 triệu học sinh. Năm học này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, chuẩn bị đội ngũ, phương án triển khai 2 môn học bắt buộc này, bảo đảm khi vào năm học mới, tất cả học sinh lớp 3 đều được học Tiếng Anh, Tin học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với lớp 10 - lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, Bộ GD&ĐT đã có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để địa phương, nhà trường triển khai việc lựa chọn môn học; Chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với những môn học nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào tổ chức dạy và học.

Những ngày qua, để chuẩn bị cho lễ khai giảng, nhiều địa phương, các trường đã hoàn thiện cơ sở vật chất, kịp thời bổ sung đội ngũ giáo viên để chuẩn bị đón năm học mới. Nhiều địa phương tổ chức ngày tựu trường vào ngày 22/8 với lớp 1 và ngày 29/8 với các bậc học còn lại.

Ở nhiều nơi, các giáo viên và học sinh đã chuẩn bị những tiết mục văn nghệ, sản phẩm thủ công để trang trí trong ngày khai giảng. Ở một số nơi tổ chức ngày hội thao để giúp học sinh có buổi khai giảng đáng nhớ.

Cũng theo Bộ trưởng, năm học mới 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành phải làm là tiếp tục củng cố kiến thức. Bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thoeetj thòi trong đại dịch. Đặc biệt là các cháu chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, những cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh... “Những phần việc như: Hỗ trợ về tâm lý, bù đắp về kiến thức, củng cố các kỹ năng… sẽ là công việc quan trọng mà ngành Giáo dục phải làm trong thời gian sắp tới. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Sơn, ngành đã xác định, muốn đổi mới về phương pháp dạy học, về kiểm tra, đánh giá, trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên thay đổi tích cực, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt.

Sáng nay, học sinh các tỉnh, thành tựu trường năm học mới 2022 - 2023

Trước thực tế thiếu giáo viên trầm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.

Tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng.

Về lâu dài, các địa phương phải có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Phía Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều cuộc làm việc với các trường sư phạm. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm thực sự phát huy hiệu quả, cần có thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các Bộ, ngành và đặc biệt là từ phía các địa phương trong đặt hàng nhu cầu, tuyển dụng và sử dụng.

Trong thư gửi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh, cùng các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Hôm nay, ngày 5/9/2022, chúng ta lại cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt sau một khoảng thời gian bất thường, việc học tập bị gián đoạn thường xuyên bởi đại dịch COVID-19, thầy và trò lại được cùng nhau dự lễ khai giảng trực tiếp tại ngôi trường thân yêu, cùng nhau chia sẻ quyết tâm, niềm tin và hy vọng về một chặng đường mới trong học tập".

Chủ tịch nước đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề mà ngành Giáo dục lựa chọn năm nay, đó là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/sang-nay-59-23-trieu-hoc-sinh-ca-nuoc-khai-giang-nam-hoc-moi-204911.html