Sau ngày 21/9, Hà Nội chống dịch trọng tâm tại các "điểm đỏ" có ca F0

19/09/2021 20:15

Kinhte&Xahoi Theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, dự kiến, sau ngày 21/9, thành phố sẽ không chia 3 phân vùng nữa. Nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành điểm đỏ. Điểm đỏ thì áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là "vùng vàng", còn lại là xanh.

Chiều 19/9, đồng chí Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch TP Hà Nội đã chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy TP với các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội

Ghi nhận 14 ca mắc mới

 Báo cáo tại buổi giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho chiết: Tính đến ngày 19/9, Hà Nội ghi nhận 14 ca mắc Covid-19, trong đó 12 ca tại khu các ly, 2 ca tại khu phong tỏa. Cộng dồn tới nay, thành phố có 4.179 ca. Hiện nay, thành phố còn 44 điểm đang phong tỏa; 1.025 bệnh nhân đang điều trị.

Toàn thành phố đã lấy 4.711 mẫu xét nghiệm, trong đó phát hiện 11 mẫu dương tính; TP và các Bệnh viện Trung ương đã tiêm trên 5.671 nghìn mũi 1.

Sở Y tế Hà Nội kiến nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đặc biệt là tiêm trả mũi 2; Đẩy nhanh tiến độ trạm y tế lưu động; Tăng cường phát hiện và xét nghiệm các trường hợp sốt, ho, khó thở.

Tại buổi giao ban, các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã báo cáo công tác phòng, chống dịch; Công tác tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn.

Về tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, đại diện quận Long Biên cho biết, đêm 17/9, địa bàn quận phát sinh 1 ca F0 tại tổ 4 phường Việt Hưng. Quận đã khoanh vùng truy vết các trường hợp liên quan, tới nay, ghi nhận 11 F0 chủ yếu liên quan đến người trong 1 dòng họ. Qua test nhanh, PCR 1.347 trường hợp, quận đã phát hiện thêm 3 F0. Đến nay, các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly.

Quận Long Biên cho biết, trong ngày mai sẽ lấy mẫu lần 2 các điểm liên quan. Dự kiến khoảng 4.500 mẫu được lấy, trưa 20/9 sẽ có kết quả vòng 2.

Dựa theo thời điểm tiêm chủng mũi 1 trên địa bàn (quận đã tiêm 95% dân số) vào ngày 28/9 sẽ đạt 14 ngày sau tiêm, khi đó tùy theo tình hình xét nghiệm, quận sẽ có đề xuất việc áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 theo từng vùng trên địa bàn.

Quận Thanh Xuân cho biết, ổ dịch tại ngõ 328-330 Nguyễn Trãi cơ bản được kiểm soát, quận vẫn thường xuyên tổ chức phun khử khuẩn, tiến hành xét nghiệm 2-3 ngày 1 lần; Xây dựng phương án đón hơn 1.000 người dân từ Thạch Thất về. “Dự kiến ngày 21-22/9 là đủ 21 ngày cách ly, tuy nhiên, qua mời các chuyên gia đánh giá tình hình, quận sẽ dời tới ngày 28/9 mới đón người dân về”, đại diện quận Thanh Xuân cho biết.

Các quận, huyện, thị xã linh hoạt xây dựng phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9

 Phát biểu kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, ngày 21/9 tới đây, Hà Nội đã trải qua các đợt giãn cách phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với phương án phân vùng, tạo bước đệm đưa TP lại trạng thái bình thường mới.

Theo đó, từ ngày 24/7, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội, trung bình TP nghi nhận 71,2 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách thứ 4 chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày; Đến ngày 19/9, dự kiến cũng khoảng dưới 15 ca.

“Đến nay, các ca nhiễm trong cộng đồng mặc dù giảm rõ rệt nhưng vẫn còn có ca trong cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo và xem xét kỹ các đề xuất đến ngày 20/9, sẽ có các chỉ đạo cụ thể, hiệu quả nhất.

Theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, dự kiến, sau ngày 21/9, thành phố sẽ không chia 3 phân vùng nữa. Nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành điểm đỏ. Điểm đỏ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Khu vực xuất hiện F0 và các gia đình bên cạnh phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là "vùng vàng", còn lại là xanh. Việc thực hiện giải pháp này theo tinh thần “không có đỏ là tốt nhất, có thì phải thu hẹp tối đa”.

Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ, kinh nghiệm thực tế cho thấy việc nới lỏng phải đi kèm với phải kiểm soát chặt chẽ. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng để làm việc với các tỉnh, thành lân cận để phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô.

Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9 theo phương hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR; Bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về thành phố; Bảo đảm các điều kiện cần thiết để các trường học chuẩn bị đón học sinh, sinh viên trở lại học tập.

Sau ngày 21/9, thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn, vì thế, các địa phương cũng cần chủ động các phương án phòng, chống dịch.

“Các khu vực điểm đỏ đương nhiên không được xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì cũng phải dừng", Phó Chủ tịch UBND TP cho biết

Phó Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý: “Trước đây phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cũng như phường Việt Hưng (Long Biên) không ai nghĩ rằng bùng phát dịch mà bây giờ lại trở thành điểm nóng về dịch.

Chúng ta không thể cách ly xã hội mãi được, vì thế các địa phương phải chủ động những phương án để thực hiện mục tiêu kép, thực hiện công tác phòng chống dịch khoa học, linh hoạt. Cùng với đó, chúng ta tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân”.

Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/sau-ngay-219-ha-noi-chong-dich-trong-tam-tai-cac-diem-do-co-ca-f0-177913.html