Shophouse giá chục tỷ đồng ở Hà Nội ế khách thuê
Kinhte&Xahoi
Ảnh hưởng xấu bởi dịch Covid-19, nhiều căn nhà liền kề, nhà phố thương mại (shophouse) có giá từ 10 tới hàng chục tỷ đồng đang rơi vào tình trạng bỏ trống, không có người thuê.
Nhà liền kề hay shophouse được xem là "gà đẻ trứng vàng" cho các nhà đầu tư vì có nhiều ưu điểm vừa để ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến phân khúc này đối diện với sự ế ẩm, không có người thuê.
Ghi nhận của PV tại Khu đô thị Gamuda Garden (Hoàng Mai, Hà Nội) cho thấy, nhiều căn shophouse có vị trí kinh doanh "vàng" nhưng lại rơi vào cảnh "cửa đóng then cài".
Trên các trang rao vặt, shophouse Gamuda Garden thuận tiện làm văn phòng, kinh doanh khu đô thị trên. Giá cho thuê các căn shophouse Gamuda Garden 4 tầng 1 tum khoảng 35 - 40 triệu đồng/ tháng tùy vị trí.
Nhiều căn shophouse tại khu đô thị Gamuda Garden đang "cửa đóng then cài", treo biển cho thuê (Ảnh: M.K).
Một chủ shophouse Gamuda Garden cho biết đã treo bảng cho thuê nhưng 2 năm nay không có người thuê. Giá cho thuê cũng rẻ hơn rất nhiều so với giá trị của căn shophouse này.
Cùng rơi vào cảnh "ế ẩm", các dãy shophouse dự án TSQ Ngân Hà Galaxy dọc đường Tố Hữu đến nay vẫn gần như bỏ trống, ngay cả các căn nằm ở mặt đường chính. Được biết giá thuê ở đây đã giảm khá mạnh so với những giai đoạn trước và chỉ dao động từ 15 đến 25 triệu đồng/tháng.
Hay cách đó không xa, hàng loạt shophouse mặt đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) có giá tới hàng chục tỷ đồng nhưng lại bỏ trống. Vào những ngày này, nhiều người dân đã tận dụng phơi thóc tại mặt tiền của những ngôi shophouse bỏ không.
Nhiều dãy shophouse trên đường Lê Trọng Tấn đang bỏ không (Ảnh: M.K).
Dạo quanh các khu vực Nguyễn Văn Lộc, Kiến Hưng thuộc quận Hà Đông, Mỹ Đình thuộc quận Nam Từ Liêm hay Sài Đồng, Bồ Đề thuộc quận Long Biên… dễ thấy những cảnh đìu hiu không kém.
Dường như sau khi dịch Covid-19 thoái trào, các sản phẩm shophouse vẫn đang chật vật lấy lại vị thế "gà đẻ trứng vàng" như đã từng có trong quá khứ. Người mới không dám thuê, người thuê cũ mong trả mặt bằng sớm vì kinh doanh không hiệu quả.
Theo anh Nguyễn Thế Anh - một môi giới bất động sản địa bàn quận Hoàng Mai chia sẻ, do tác động xấu từ dịch Covid-19, việc cho thuê mặt bằng kinh doanh nói chung và shophouse nói riêng đều khó khăn.
"Khoảng hơn một năm trở lại đây, rất nhiều người trả mặt bằng, ký gửi mặt bằng đẹp hay nhờ sang nhượng khá nhiều nhưng rất ít người chịu thuê lại", môi giới trên chia sẻ.
Gần đây, theo khảo sát của Savills Việt Nam, giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể. Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn.
Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội - cho biết, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh trong giai đoạn bùng phát mới, nhiều nhà hàng và quán ăn phải đóng cửa do kết quả kinh doanh không bù đắp nổi chi phí mặt bằng. Đây là ảnh hưởng đáng kể nhất đối với các hạng mục bán lẻ thương mại của thị trường Hà Nội cũng như TPHCM.
Tuy nhiên, việc hồi phục và triển vọng của lĩnh vực bán lẻ thương mại vẫn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, yếu tố thị trường. Thị trường cần phải điều chỉnh lại, doanh thu của các hãng bán lẻ là yếu tố quan trọng để điều chỉnh lại giá cho thuê mặt bằng của các cửa hàng bán lẻ trở về đúng giá trị cũng như khả năng kinh doanh của các hãng.
Minh Khôi - Theo Dân Việt