Sôi động thị trường bánh Trung thu online thời Covid-19

16/09/2021 15:25

Kinhte&Xahoi Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đường phố Hà Nội năm nay không còn xuất hiện những quầy bánh Trung thu như thông lệ. Thay vào đó, hình thức bán hàng online đang được các doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu cũng như các cửa hàng bánh truyền thống triển khai khá sôi động nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như giải quyết bài toán kinh tế của chính các cơ sở này.

Cửa hàng vắng bóng, sôi động thị trường bánh Trung thu online

 Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu nhưng do TP Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nên các cửa hàng bánh Trung thu truyền thống trên các tuyến phố đã vắng bóng.

Theo quan sát, tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương trên phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), lượng khách hàng đến mua trực tiếp giảm sâu so với mọi năm. Nếu những năm trước, người dân Thủ đô xếp hàng dài hàng cả trăm mét chỉ để đợi mua 1 cặp bánh Trung thu Bảo Phương thì năm nay khách đến cửa hàng thưa thớt. Bên cạnh đó, để đảm bảo khoảng cách giãn cách, cửa hàng chỉ nhận 3 khách/lần. Quanh quầy bán hàng cũng được lắp các vách ngăn để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, các doanh nghiệp lựa chọn bán bánh Trung thu bằng hình thức onilne

Tương tự, tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bình Chung (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), lượng khách đến mua tại cửa hàng cũng khá thưa thớt.

Trái ngược với những năm trước, trong thời điểm hiện tại, rất khó để bắt gặp những gian hàng bày bán bánh Trung thu trên vỉa hè.

Nắm bắt được nhu cầu của người dân, nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn Thủ đô đã bắt đầu thực hiện bán hàng online thông qua các trang thương mại điện tử và nhận đơn hàng qua điện thoại; Hỗ trợ khách mua hàng và tiếp cận sản phẩm. Do vậy, hình thức bán hàng online đang được các doanh nghiệp thực hiện khá sôi động.

Các kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek và Baemin... đều tham gia rất tích cưc vào thị trường bánh Trung thu năm nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đưa ra ưu đãi giảm giá từ 5-10% khi mua online. Nhiều doanh nghiệp tung ra các combo hộp bánh Trung thu 2021, giá bán dao động khoảng 100.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng.

Theo đại diện Maison Mooncake, vào thời điểm này, việc vận chuyển tới từng khách hàng sẽ gặp khó khăn, tốn khá nhiều thời gian do thành phố thực hiện giãn cách xã hội, trong đó, một số khu vực còn bị phong tỏa. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn thực hiện chính sách miễn phí vận chuyển để hỗ trợ khách hàng và đó cũng là nỗ lực tìm khách hàng trong mùa Trung thu năm nay.

Không những các thương hiệu lớn mà những cửa hàng tiện ích cũng loay hoay tìm mọi cách đưa bánh Trung thu lên kênh online. Chị Chanh, chủ xưởng bánh Trung thu trên đường Nghĩa Tân cho biết, vì có vị trí trung tâm nên mỗi năm chị bán ra thị trường khoảng 1.000 chiếc bánh nhưng năm nay thì hầu như ngưng hoàn toàn. Do đó, chị đã liên tục đăng tin lên Facebook, Zalo để nhờ người quen quảng bá.

Trước tác động của dịch Covid-19, không chỉ ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý mà vấn đề tài chính của người tiêu dùng cũng hạn chế. Thế nên, nhu cầu về bánh Trung thu cũng có những ảnh hưởng nhất định. Đối với kênh phân phối truyền thống, khách hàng chỉ có thể tìm mua bánh tại các siêu thị hoặc đại lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tình hình kinh doanh bánh Trung thu ở các siêu thị vẫn khá ảm đạm, các siêu thị lớn không trang hoàng và nhập nhiều hàng như mọi năm.

Dự báo thị trường tiêu thụ bánh Trung thu trong thời gian tới, các chuyên gia bán lẻ nhận định, năm nay sản lượng bán hàng sẽ giảm khoảng 30% do người tiêu dùng phải hạn chế đi lại và tập trung cho các mặt hàng thiết yếu khác nên nhu cầu mua để sử dụng, tặng biếu cũng sẽ giảm.

Cẩn trọng khi mua bánh Trung thu online

 Bên cạnh những doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất bánh Trung thu uy tín và có thương hiệu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cảnh báo, nhiều đối tượng lợi dụng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh sản phẩm bánh Trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội.

Được biết, ngay cuối tháng 8 vừa qua, tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, thuộc địa bàn xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 - Cục QLTT Hà Nội kiểm tra xe ô tô tải “luồng xanh” đã phát hiện 200.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu có trọng lượng gần 10 tấn.

Theo đại diện Cục QLTT Hà Nội, thủ đoạn chung mà các đối tượng thường sử dụng để tiêu thụ bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ là bán online với nhiều lời rao bán hấp dẫn như bánh nhập khẩu, giá lại “siêu rẻ”. Khi khách đặt hàng mới gửi ship. Để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, thay vì buôn bán rầm rộ, chủ hàng chỉ tập kết với số lượng không quá lớn nhưng nhập hàng khá thường xuyên. Những loại bánh này thường là “3 không” (không rõ thành phần nguyên liệu, không ghi ngày sản xuất và không hạn sử dụng).

Do đó, các lực lượng chức năng khuyến cáo người dân nên tìm những địa chỉ bán hàng online uy tín để đặt mua, tránh ham rẻ mà ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị Lệ Mỹ (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, mọi năm không có dịch Covid-19, chị thường tự chọn bánh Trung thu để biếu người thân và khách hàng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp, cửa hàng không trưng bày, bán hàng nhiều như mọi năm nên chị chọn hình thức mua bánh online. Lướt qua các trang mạng, chị thấy có khá nhiều doanh nghiệp quảng cáo bánh Trung thu từ bình dân đến cao cấp. Với kinh nghiệm của mình, chị vẫn chọn bánh của các doanh nghiệp uy tín.

“Mùa dịch Covid-19 kéo dài, kinh tế người dân khó khăn hơn nhưng không vì thế mà ham bánh rẻ. Ăn ít mà đảm bảo chất lượng còn hơn”, chị Lệ Mỹ chia sẻ.

Người tiêu dùng nên lựa chọn những loại bánh Trung thu có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, có thời gian sử dụng rõ ràng

Hiện nay, với sự thông thái của người tiêu dùng, các nhà sản xuất không chỉ đầu tư vào chất lượng sản phẩm mà còn đa dạng hình thức, mẫu mã. Thực tế cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu mang tính thời vụ nên vẫn có những cơ sở chưa thực sự chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho mọi người, nhất là tình hình phức tạp dịch bệnh như hiện nay, các chuyên gia về an toàn thực phẩm khuyến cáo, dù mua ở đâu, theo hình thức nào, khách hàng cũng cần chú ý, sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...

Sản phẩm cũng phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tránh để các loại bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc tràn vào thị trường, được bán tràn lan trên mạng, ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng cũng như giảm sức cạnh tranh của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Đìu hiu thị trường bánh Trung thu mùa Covid-19Thu giữ hơn 11.000 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc tại La PhùHà Nội: Rà soát doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thuBộ Công Thương cảnh báo mua bánh trung thu trên mạng tiềm ẩn rủi ro

 Ánh Dương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/soi-dong-thi-truong-banh-trung-thu-online-thoi-covid-19-177575.html