Soi pháp lý về những sai phạm trong đấu thầu tại Công ty Thành An

23/11/2022 20:25

Kinhte&Xahoi Theo đó, ông Nguyễn Đăng Thuyết - Tổng Giám đốc Công ty Thành An bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố đối với vụ án: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế và các đơn vị liên quan.

Những gói thầu mà Công ty Thành An làm tham gia đấu thầu tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bao gồm: 

(1) Gói thầu số 64: Giường điều trị chuyên dụng; 

(2) Gói thầu số 65: Máy gây mê kèm thở, máy thở; 

(3) Gói thầu số 67: Trang thiết bị xạ trị;

(4) Gói thầu số 71: Dụng cụ phẫu thuật ;

(5) Gói thầu số 74: Thiết bị chẩn đoán và phẫu thuật nội soi; 

(6) Gói thầu số 76: Hệ thống chụp cộng hưởng từ.
 

Vi phạm quy định trong đấu thầu

Công ty Thành An Hà Nội được thành lập theo Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, số 010114114 ngày 19/6/2001, do Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội cấp. Thời điểm thành lập và thời điểm tham gia đấu thầu tại Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Đăng Thuyết là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. 

Hiện nay, Công ty vẫn đang hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh TNHH hai thành viên trở lên đăng ký thay đổi lần thứ 15 ngày 05/8/2021, do bà Ngô Thị Quỳnh Hoa là Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty; Vốn điều lệ 400 tỉ đồng; Ngành nghề kinh doanh: Buôn bán trang thiết bị, dụng cụ y tế; buôn bán tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng; buôn bản thiết bị điện tử, tin học; buôn bán hóa chất; phân loại trang thiết bị y tế,...

Liên quan đến Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, Công ty Thành An Hà Nội làm “quân xanh” tham gia đấu thầu tại gói thầu số 64, 65, 67, 71, 74 và trúng thầu hộ Công ty AIC gói thầu số 71, 74.

Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (Báo Giao thông).

Ông Nguyễn Đăng Thuyết, nguyên Giám đốc là người ký các hồ sơ dự thầu; hiện Công ty không xác định được nhân viên chuẩn bị các hồ sơ dự thầu nêu trên.

Cũng theo kết luận điều tra, Thứ nhất, đối với gói thầu số 71, ngày 04/10/2014, Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc đại diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và bà Trần Thị Thành An, Phó Giám đốc đại diện Công ty Thành An Hà Nội ký hợp đồng về việc cung cấp, lắp đặt thiết bị số 79/2014/HĐTB-BVĐN (52 thiết bị y tế), trị giá 49,25 tỉ đồng. 

Từ ngày 12/12/2014 đến ngày 14/12/2016, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thanh toán cho Công ty Thành An số tiền là 49.249.987.000 đồng. Để cung cấp thiết bị cho gói thầu số 71, Công ty Thành An mua 34 thiết bị y tế của Công ty Phúc Hưng và 18 thiết bị y tế của Công ty TCI, gồm:

Ngày 01/4/2015, bà Trần Thị Thanh An, Phó Giám đốc đại diện Công ty Thành An (Bên mua) và Nguyễn Thị Tích, Phó Tổng Giám đốc đại diện Công ty Phúc Hưng (Bên bán) ký Hợp đồng mua bán thiết bị y tế số 0104/TA-PH- DNAI/15, trị giá 20.239.574.901 đồng.

Ngày 09/12/2014, bà Trần Thị Thanh An, Phó Giám đốc đại diện Công ty Thành An (Bên mua) và Hoàng Thị Thúy Nga, Giám đốc đại diện Công ty TCI (Bên bán) ký Hợp đồng mua bán thiết bị y tế số 041/TB-TNT-HN/TCI-DNAM/14, trị giá 28.025.425.099 đồng.

Thứ hai, đối với gói thầu số 74, ngày 04/10/2014, Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc đại diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và bà Trần Thị Thành An, Phó Giám đốc đại diện Công ty Thành An Hà Nội ký hợp đồng về việc cung cấp, lắp đặt thiết bị số 82/2014/HĐTB-BVĐN (17 thiết bị y tế), trị giá 47,35 tỉ đồng (trước khi làm tròn là 47.349.027.000 đồng). 

Từ ngày 12/12/2014 đến ngày 14/12/2016, Bệnh viện thanh toán cho Công ty Thành An số tiền là 47.349.027.000 đồng. Để cung cấp thiết bị cho gói thầu số 74, Công ty Thành An mua 09 thiết bị y tế của Công ty Phúc Hưng và 08 thiết bị y tế của Công ty TCI, gồm:

Ngày 02/4/2015, bà Trần Thị Thanh An, Phó Giám đốc đại diện Công ty Thành An (Bên mua) và Nguyễn Thị Tích, Phó Tổng Giám đốc đại diện Công ty Phúc Hưng (Bên bán) ký Hợp đồng mua bán thiết bị y tế số 0204/TA-PH DNAI/15, trị giá 22.103.055.000 đồng;

Ngày 10/12/2014, bà Trần Thị Thanh An, Phó Giám đốc đại diện Công ty Thành An (Bên mua) và Hoàng Thị Thúy Nga, Giám đốc đại diện Công ty TCI (Bên bán) ký Hợp đồng mua bán thiết bị y tế số 042/TB-TNT-HN/TCI-DNAV/14, trị giá 24.299.944.861 đồng.

Những sai phạm trong đấu thầu của Công ty Thành An liên quan trực tiếp đến Công ty AIC.

Công ty Thành An Hà Nội được hưởng 1.931.014.139 đồng (chưa trừ chi phí) khi thực hiện gói thầu số 71 và 74. Ngoài ra, bản kết luận điều tra cũng nêu rõ, ông Nguyễn Đăng Thuyết đã thông đồng, cấu kết với Công ty AIC để làm nhà thầu “quân xanh” tại 4 gói thầu, đứng tên thay Công ty AIC để trúng thầu gói thầu số 71, 74. Mục đích là để được bán hàng vào Dự án hưởng lợi số tiền 1.931.014.139 đồng, giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà nước 41.259.531.656 đồng.

Hành vi của Nguyễn Đăng Thuyết đã vi phạm quy định tại Điều 12, Luật Đấu thầu 2005, nay là Điều 89, Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thị hành, phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trao đổi dưới góc độ pháp lý Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Trị cho biết: Các hành vi bị cấm trong đấu thầu

Dưới góc độ pháp lý, tại Điều 89, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu cụ thể như sau:

- Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

- Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.

- Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây: Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu; Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu; Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

- Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây: Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào; Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

- Không bảo đảm công bằng, minh bạch;

- Chuyển nhượng thầu,...

Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Theo đó, hành vi phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
 

Truy nã toàn quốc

Sau khi bị phát hiện, Nguyễn Đăng Thuyết đã không hợp tác và bỏ trốn. Ngày 07/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã toàn quốc số 12/QĐTN-CSKT-P9; đồng thời đã kêu gọi bị can ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; hợp tác điều tra để đảm bảo quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; trong trường hợp không ra trình diện hoặc đầu thú, coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị điều tra, truy tố và xét xử.

Theo, Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định rõ việc bắt người đang bị truy nã được thực hiện theo quy định sau: Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Các bị can đang bị truy nã toàn quốc.

Cũng theo Khoản 3 Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.

Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã. Quyết định đình nã được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.

Hiện nay, pháp luật không quy định thời gian có hiệu lực của lệnh truy nã, tuy nhiên có thể nhận biết thời gian này nhờ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, lệnh truy nã cũng sẽ hết hiệu lực khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 27, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

 Thanh Bình - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/soi-phap-ly-ve-nhung-sai-pham-trong-dau-thau-tai-cong-ty-thanh-an-d186978.html