Sông Hàn đang bị... bức tử?

16/04/2019 09:41

Kinhte&Xahoi Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Đua nhau lấn sông

Những ngày này, nếu đứng trên cầu Thuận Phước nhìn về trung tâm TP Đà Nẵng, thật không khó để nhìn thấy một khoảng đất rộng lấn ra phía sông Hàn ngay gần chân cầu Thuận Phước. Theo tìm hiểu của phóng viên, khoảng đất nói trên thuộc Dự án Marina Complex với tổng diện tích 11,7 hecta, trong đó có 1 hecta mặt nước phục vụ về dịch vụ cầu tàu - bến du thuyền.
Dự án Marina Complex dù nằm ngay cửa sông Hàn đổ ra biển nhưng lấn sông với diện tích lớn
Theo giới thiệu của đơn vị phân phối là Đất Xanh Đà Nẵng thì dự án có quy mô 206 căn, bao gồm: 128 căn nhà phố và 78 căn biệt thự. Giai đoạn 1 do Công ty TNHH Bến Du Thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư và giai đoạn 2 do Công ty TNHH Bến Du Thuyền Đà Nẵng và Công ty CP tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư.

Để thực hiện dự án trên, chủ đầu tư đã dựng một bờ kè bê tông kiên cố trên sông Hàn và tiến hành đổ đất lấp dòng sông tính từ bở trở ra lên đến hàng chục mét. Điều này đang gây lo ngại cho rất nhiều người.

Điều đáng chú ý, đây không phải là dự án đầu tiên lấn sông Hàn. Cách Marina Complex không xa là dự án Bến du thuyền và CLB thể thao dưới nước, do Công ty CP đầu tư DHC Marina (thuộc Tập đoàn DHC) làm chủ đầu tư. Công trình này có chiều dài 700 m nằm cách cầu Rồng 160 m về phía bắc, tổng diện tích 57.000 m2, bao gồm cầu cảng đón trả khách dài 85 m, một công trình xây dựng hình chiếc thuyền 5 tầng (cao 15,5 m) có diện tích 5.700 m2. Và với dự án này, cũng không khó để nhận thấy là nó vừa che chắn tầm nhìn hướng sông, vừa làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hàn... đặc biệt, việc thoát lũ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi có quá nhiều trụ bê tông được xây dựng để làm bến du thuyền trực tiếp ngăn cản dòng chảy trên sông...
Bến du thuyền che lấp tầm nhìn du khách khi nhìn về cầu Rồng

Trước đó, cũng trên sông Hàn, trước sự phản đối của dư luận, của các nhà khoa học, chính quyền TP Đà Nẵng cũng đã dừng dự án ngọn hải đăng Marina có chiều cao thấp nhất bằng tòa nhà 25 tầng kết hợp kinh doanh nghỉ dưỡng, cách bờ sông 30 m do Công ty CP đầu tư DHC (DHC Group) đề xuất chủ trương.

Hậu quả nặng nề

Trao đổi vấn đề ngày càng có nhiều dự án lấn sông Hàn tại Đà Nẵng, ông Hồ Duy Diệm - Kiến trúc sư, nguyên Trưởng ban quy hoạch TP. Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam chia sẻ: Phải nói rằng việc lấp sông, lấn sông, lấn biển không chỉ lần đầu diễn ra diễn ra tại Việt Nam và đã được các nhà khoa học cũng như thưc tế minh chứng là để lại nhiều hậu quả
Với Đà Nẵng, theo Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam thì việc đắp sông, đắp biển đã từng gây ra những hậu quả nặng nề. Ông Diệm dẫn chứng hậu quả gây ra với việc đắp đất lấn biển 209 ha của dự án Vành Trăng Khuyết là Vịnh Xuân Thiều, Liên Chiểu lên đến tận Nam Ô bị xói lở. “Với dự án này, chắc chắn tự nhiên sẽ tiếp tục đào hơn 200 ha để bù lại diện tích đã mất để làm dự án Vành Trăng Khuyết để lập cân bằng tự nhiên đã tồn tại hàng trăm năm”, ông Diệm nói.

Với những dự án lấn sông Hàn, ông Diệm cũng khẳng định sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Chứng minh cho lập luận của mình, ông Diệm đưa ra công thức mà theo ông đây là công thức Thuỷ lực cơ bản mà Kỹ sư Xây dựng Thuỷ lợi nào cũng phải biết đó là: Q= w. V. Trong đó, Q là lưu lượng dòng chảy, V là vận tốc dòng chảy, w là mặt cắt ngang dòng sông.

Với công thức này, theo ông Diệm, vào mùa mưa khi nước từ thượng nguồn đổ xuống, nước thủy triều từ biển dâng lên thì Q - lưu lượng nước sẽ tăng lên nhiều lần, vận tốc nước chảy cũng mạnh lên nhiều lần khi đó mặt cắt ngang dòng chảy cũng phải tăng cao lên. Nếu đắp bờ lấn sông, thì mặt cắt nhỏ xuống tất nhiên sẽ xảy ra đào phá bờ sông bên kia để đủ mặt cắt ướt. Hoặc nước sẽ dâng cao tràn ngược cống vào gây ngập thành phố. “Kè bên bờ sông này anh thi công kỹ nước không phá được thì nó sẽ phải phá chỗ khác để lập lại cân bằng của tự nhiên, yếu chỗ nào thì nó phá chỗ đó. Anh đắp Thuận Phước thì nó phá Xuân Thiều, anh đắp bờ bên này nó sẽ phá bờ bên kia va theo dòng chảy nó sẽ phá ngang cũng có mà dọc cũng có để làm sao đủ mặt cắt ngang dòng sông ban đầu để nước có thể thoát ra được.

Cũng theo ông Diệm, quá trình này không phải xảy ra ngày một ngày hai mà có thể là 5 năm hoặc 3 năm, có khi nước phá ngầm ở dưới mà trên bề mặt chúng ta không thể nhìn thấy và khi tạo thành hàm ếch thì môt ngày nào đó sẽ gây ra hậu quả khôn lường. “Trận lụt lịch sử cuối năm 2018 cũng là một minh chứng cho hậu quả của việc lấn sông Hàn. Mặc dù không có mưa trên nguồn mà chỉ có thủy triều lên và mưa trên mặt đất nhưng nước không ra biển được nên gây ra lụt lội cho thành phố.”

“Cuối cùng, về mặt phong thủy, con sông là rất quan trọng với người châu Á. Chặn hay lấn một dòng sông cửa ngõ của một thành phố lớn, là không nên. Làm lợi một người mà gây hại cho nhiều người. Chính quyền phải cân nhắc điều này”, ông Diệm nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những tác động nói trên thì một ảnh hưởng rất lớn mà các dự án nói trên đang gây ra là cảnh quan con sông bị tác động mạnh, bị thu hẹp, bị hạn chế, bị che khuất bởi các công trình trên mặt nước và hai bên bờ khiến Sông Hàn - dòng sông từ lâu đã là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng dễ biến thành kênh Hàn.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…