Sự khác nhau giữa tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3

04/07/2022 19:39

Kinhte&Xahoi Việc tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19 giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao, tăng lượng kháng thể trước biến thể Omicron, trong đó có biến thể phụ mới nhất- BA.5.

Không nhầm lẫn giữa tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1)

 GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Tiêm vắc xin COVID-19 giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Khi tác nhân gây bệnh vào người thì sẽ giảm mắc, giảm chuyển nặng hoặc tử vong. Thậm chí có người khi tiêm vắc xin nếu có mắc thì cũng nhẹ hơn những người chưa tiêm".

"Ở đây chúng ta thấy rằng vắc xin là vũ khí chiến lược. Bởi vì trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, mạnh như hiện nay với biến thể SARS-CoV-2 chúng ta thấy rằng biện pháp chống lây lan nhanh hoặc là các biện pháp hành chính xã hội, hoặc thuốc và các biện pháp gần như cơ bản khó đáp ứng được một cách lâu dài. Do đó vắc xin tạo miễn dịch cho con người, người ta có thể đi bất cứ nơi đâu mà vẫn cảm thấy an toàn" - GS.TS Phan Trọng Lân nói.

Ảnh minh hoạ

Hiện nay biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, đã xâm nhập vào Việt Nam và có khả năng tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam.

Trên thế giới, nhiều nước cũng đang gia tăng ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.5 của Omicron. Do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể sẽ tăng ở nước ta; miễn dịch sau tiêm vắc xin hay sau bị COVID-19 sẽ suy giảm dần sau 4-6 tháng.

Hiện có nhiều người đang nhầm lẫn giữa tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1), về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu rõ: "Mũi bổ sung dành cho đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các vắc xin mà bằng chứng cho thấy cần phải tiêm thêm mới đạt miễn dịch cơ bản (ví dụ vắc xin Vero Cell, Sputnik V); Còn mũi nhắc lại là mũi tăng cường, thường tiêm sau 3-4 tháng sau các mũi cơ bản để duy trì miễn dịch ở mức cao. Nói dễ hiểu thì việc tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19 giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao; Còn việc tiêm mũi bổ sung - không phải là mũi 3 giúp hoàn thành miễn dịch cơ bản".

Tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung cho đối tượng nào?

 Theo PGS. TS.BS Phạm Quang Thái, hướng dẫn tại văn bản mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ việc tiêm liều bổ sung (liều này không phải mũi 3) cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người đang điều trị ung thư tích cực đối với các khối u hoặc ung thư máu;

Người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; người điều trị bằng liệu pháp thụ thể kháng thể tế bào T (một loại điều trị giúp hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư) hoặc được cấy ghép tế bào gốc (trong vòng 2 năm qua); Người suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (ví dụ hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich); người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị; người đang điều trị tích cực corticosteroid hoặc các loại thuốc ứng chế miễn dịch liều cao.

Ảnh minh họa

Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero cell) hoặc vắc xin Sputnik V. Vắc xin tiêm là loại vắc xin cùng với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA; hoặc vắc xin Astrazeneca đối với người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero cell).

Khoảng cách: tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Liều lượng: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định.

TS.BS Phạm Quang Thái cho biết, về đối tượng tiêm mũi 3 gồm: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (đủ 1 hoặc 2 hoặc 3 tùy theo loại vắc xin và mũi bổ sung nếu có)

Loại vắc xin: cùng loại vắc xin với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA; hoặc vắc xin Astrazeneca nếu tiêm liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero cell) hoặc vắc xin mRNA.Khoảng cách: tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Liều lượng: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Đối với vắc xin Moderna tiêm liều 0,25ml (1/2 liều cơ bản). Người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định.

Phương Thu - Ảnh: Bộ Y tế - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/su-khac-nhau-giua-tiem-vac-xin-covid-19-mui-bo-sung-va-mui-3-200213.html