Ngày 30/6, nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế, hơn 300 sinh viên cùng 9 cán bộ giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tổ chức lễ xuất quân lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19.
Đại diện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết, tính từ đợt dịch thứ 3 đến nay, cán bộ giảng viên, sinh viên của đơn vị đã có 2 tháng tham gia phòng chống dịch tại tỉnh Hải Dương và 40 ngày tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tuy nhiên, khi vào đến TP Hồ Chí Minh thì nhiều "ồn ào" không đáng có xảy ra.
Các sinh viên y tế Hải Dương thể hiện sự quyết tâm và lạc quan khi lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch.
Đầu tiên, phải kể đến hình ảnh các em sinh viên y tế Hải Dương mặc áo blouse trắng ra sân bay và đi máy bay vào TP Hồ Chí Minh được chia sẻ rầm rộ. Khoảnh khắc này khiến nhiều người đánh giá là phô trương, “làm màu” và sai quy định.
Sau đó, khi vừa vào đến TP Hồ Chí Minh, lại tiếp tục xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ chi viện đến từ Hải Dương chủ yếu là sinh viên vốn không có nhiều kinh nghiệm, ý thức làm việc chưa cao, đến điểm lấy mẫu trễ nải… khiến người dân phải chờ đợi, còn đội y tế TP Hồ Chí Minh mất nhiều thời gian trong việc hướng dẫn, điều chỉnh.
Hay như đi - đứng - ăn - ở cũng khiến nhiều người khó chịu, bắt bẻ cho rằng các sinh viên Hải Dương có quá nhiều đòi hỏi. Theo đó, một cư dân mạng thắc mắc: “Đi chi viện chống dịch mà ở khách sạn 5 sao, không thấy ngại với các nhân viên y tế của TP Hồ Chí Minh...”. Thậm chí, có người còn nặng lời rằng, nếu các thực tập sinh này trở thành bác sĩ tương lai thì sẽ không tồn tại được lâu trong xã hội...
Xoay quanh những lùm xùm nói trên, chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, một phóng viên (xin không nêu tên) trực tiếp tham gia tác nghiệp cùng nhóm sinh viên Hải Dương tại TP Hồ Chí Minh cho biết, những thông tin trên không đầy đủ đang gây ra những hiểu lầm, hiểu sai về quá trình hỗ trợ chống dịch của các bạn sinh viên đến từ Hải Dương.
“Không có chuyện các bạn sinh viên hẹn người dân đến lấy mẫu xét nghiệm từ 13 giờ mà 19 giờ mới có mặt. Toàn bộ quá trình di chuyển, làm việc của các em đều do TP sắp xếp, các em chỉ làm theo, và các em luôn chuẩn bị tinh thần làm việc thâu đêm suốt sáng. Gọi tập hợp lúc nào là có mặt lúc đó, phân công đến đâu các em đi đến đấy. Chỉ huy nói trang bị bảo hộ không đảm bảo an toàn, không được làm thì các em cũng phải đợi lệnh”, người này cho hay.
Cũng theo phóng viên này, thật sự đã có những mâu thuẫn nhỏ xảy ra liên quan đến vấn đề đồ bảo hộ y tế. Tuy nhiên, nếu nói các em sinh viên Hải Dương chảnh chọe là không chính xác: "Các em đi chi viện chống dịch, tất nhiên phải đề cao sự an toàn, trước hết là cho bản thân sau đó là cho cộng đồng. Nếu có sai, thì cái sai ở đây là cách trình bày và xử lý thông tin. Còn một khi đã dấn thân đi vào tâm dịch, tấm lòng của người tình nguyện viên là không thể phủ nhận".
Xoay quanh nội dung này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải cũng xác nhận, bất kỳ lực lượng nào tham gia hỗ trợ chống dịch ở TP Hồ Chí Minh cũng đều phải tuân thủ điều động và quy định của lực lượng y tế và chính quyền địa phương đang phụ trách địa bàn TP.
“Hiện nay, trung bình 1 ngày Thành đoàn TP đưa khoảng 6.000 tình nguyện viên đến các điểm lấy mẫu, các chốt cách ly, phong tỏa… Trong đó, có đông đảo sinh viên của ngành y TP Hồ Chí Minh. Điều quan trọng nhất lúc này là tất cả cùng chung tay với các lực lượng y tế và chính quyền địa phương để làm tốt các hoạt động hỗ trợ chống dịch”, ông Ngô Minh Hải nhấn mạnh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, khi tình hình dịch ở TP diễn biến phức tạp, mọi sự chi viện lúc này đều đáng trân trọng. Góp của đã quý, góp người góp sức càng đáng quý hơn.
“Tình cảm của người dân cả nước, tình cảm của các em sinh viên tình nguyện viên là vô cùng đáng trân trọng. Lúc này, chỉ có đoàn kết mới là chất keo mạnh mẽ gắn kết, giúp TP Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức bày tỏ quan điểm.
Riêng việc cho các sinh viên Hải Dương ở khách sạn 5 sao khi đến TP Hồ Chí Minh, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế ở TP Hồ Chí Minh nhận định, đó là việc hết sức bình thường, bởi dù sao những khách sạn ấy cũng đang bỏ trống, hơn nữa việc tiếp đãi khách tử tế, hiếu khách vốn là bản tính người Việt Nam nói chung và người TP Hồ Chí Minh nói riêng.
“Tôi mong người dân TP Hồ Chí Minh sẽ nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực, nhẹ nhàng để mùa dịch vốn đã quá mệt mỏi trở nên dễ thở và vui vẻ hơn. Các em sinh viên tình nguyện đến từ Hải Dương, các em ấy còn quá trẻ, hãy bao dung, hãy để các em hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra cho lần chi viện này. Và quan trọng hơn cả, là cùng chung tay để TP Hồ Chí Minh của chúng ta sớm kiểm soát được dịch bệnh, người dân quay về nhịp sống thường ngày”, vị này nói.
Tiểu Thúy - Theo KTĐT