Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ spa, trò chơi điện tử tại phố Phan Kế Bính (quận Ba Đình) tự giác đóng cửa. Ảnh: Tiến Thành
Nội thành tích cực triển khai
Tại khu vực các quận nội thành, các quận đều đã có văn bản yêu cầu các trưởng ngành, UBND các phường trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc tạm dừng hoạt động tất cả các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, ngay trong ngày 25-3, UBND quận đã có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND 18 phường ban hành thông báo và tăng cường kiểm tra việc tạm thời đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng có sử dụng nhạc, rạp chiếu phim; các cơ sở dịch vụ trò chơi điện tử, thể thao đông người; quán cà phê, giải khát…
Tại khu vực phố cổ thuộc địa bàn phường Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), lúc 15h ngày 26-3, các hộ kinh doanh cà phê, giải khát, karaoke, quầy bán quà lưu niệm… đều đã tạm dừng hoạt động.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho hay, quận đã chỉ đạo UBND 14 phường tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở các trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ... tạm thời dừng hoạt động. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, vận động sự tự giác của các chủ cơ sở...
Tại quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Thanh Long cho biết, trên địa bàn quận có 37 quán karaoke, 2 quán bar, 47 quán kinh doanh trò chơi điện tử, 115 di tích văn hóa. UBND quận đã ra văn bản chỉ đạo các phường quyết liệt thực hiện việc đóng cửa, tạm dừng kinh doanh tại các nhà hàng, tạm dừng đón khách tại các địa điểm di tích lịch sử.
Tại quận Cầu Giấy, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận cho biết, Cầu Giấy đang tập trung tuyên truyền chủ trương này của thành phố. Cùng với đó, quận cũng tăng cường khuyến cáo nhân dân hạn chế ra ngoài.
Tương tự, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, quận chỉ đạo ngành Văn hóa, UBND các phường yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương, các địa điểm tập trung đông người, các điểm di tích lịch sử, các cơ sở tôn giáo tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động…
Còn tại phường Long Biên (quận Long Biên), ngay trong sáng 26-3, chủ các cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống, trong đó có cả quán phở, bún, bia hơi, cà phê… cũng đã nhận được thông báo của UBND phường yêu cầu tạm dừng hoạt động. Về cơ bản, chủ các cơ sở kinh doanh chấp hành khá tốt. Một số cửa hàng vẫn hoạt động với quy mô nhỏ thông báo sẽ bán nốt số thực phẩm đã nhập và dừng hoàn toàn hoạt động kể từ ngày mai, 27-3.
Ngoại thành đẩy mạnh tuyên truyền
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại khu vực ngoại thành cho thấy, nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Công văn số 1001/UBND-KGVX ngày 24-3-2020 của UBND thành phố Hà Nội. Công tác tuyên truyền, vận động các chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ đông người... tạm dừng hoạt động đã được đẩy mạnh cùng việc kiểm tra, rà soát, đôn đốc của các cơ quan chức năng.
Trung tá Dương Ngọc Trai, Trưởng Công an thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và Công an huyện Hoài Đức, từ chiều 25-3, Công an thị trấn Trạm Trôi đã trực tiếp gặp và yêu cầu các chủ kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động. Đến sáng 26-3, tất cả quán cà phê giải khát, cửa hàng ăn, quán phở, nhà hàng... đã ngừng hoạt động. Với các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn, Công an thị trấn Trạm Trôi đã phối hợp với đoàn công tác liên ngành của huyện kiểm tra, rà soát, yêu cầu phun thuốc diệt khuẩn và báo cáo lưu trú đầy đủ.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) đã đóng cửa.
Tại huyện Thanh Oai, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Trần Văn Lợi khẳng định, ở thời điểm hiện tại, 266 di tích, 54 quán cà phê, 67 quán internet trên địa bàn huyện đã đóng cửa. Sáng nay, 26-3, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với Công an huyện tiến hành tổng kiểm tra các quán ăn, hàng quán, dịch vụ… phần lớn chủ cửa hàng đều có ý thức chấp hành. Tại thị trấn Kim Bài, toàn bộ các cửa hàng ăn uống, dịch vụ đã đóng cửa.
Ông Mai Linh, chủ cửa hàng ăn uống Linh Trung ở thị trấn Kim Bài cho biết: “Không đợi đến khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, cách đây một tuần khi dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, tôi đã chủ động cho nhân viên tổng vệ sinh cửa hàng và đóng cửa hàng để tránh lây lan, vừa bảo vệ sức khỏe của gia đình, người thân và cộng đồng”...
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, huyện đã yêu cầu các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tạm dừng đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ như chủ trương của thành phố để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Bước đầu, việc này đã được thực hiện cùng sự đồng thuận của người dân.
Nhiều địa phương khác như: Thanh Trì, Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Chương Mỹ, Hoài Đức... đã tích cực triển khai thực hiện Công văn số 1001/UBND-KGVX ngày 24-3-2020 của UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, các ngành chức năng của các huyện yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được việc phòng chống dịch Covid-19 là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, từ đó, tự nguyện thực hiện nghiêm nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Tăng cường giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm túc
Theo ghi nhận của phóng viên chiều 26-3 trên địa bàn phường Hoàng Liệt, Đại Kim (quận Hoàng Mai), vẫn còn một số cửa hàng cà phê, bún, phở, cửa hàng rửa xe, sửa xe… vẫn hoạt động. Dọc đường Kim Giang, hầu hết các cửa hàng vẫn mở bình thường với các mặt hàng phong phú như: Rèm, đồ nội thất, đồ gia dụng, trà đá vỉa hè… Tại quận Cầu Giấy, nhiều hàng quán trên địa bàn phường Trung Hòa, Yên Hòa, Mai Dịch, Dịch Vọng vẫn hoạt động bình thường. Nhiều hàng quán bày bán ngay trên vỉa hè như chưa có chuyện gì xảy ra. Tình hình trên cũng diễn ra trên trục đường Nguyễn Trãi - Quang Trung thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Đông.
Chủ tịch UBND thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) Nguyễn Mạnh Quân cho biết, ngày 26-3, trên địa bàn thị trấn đã có 4 cửa hàng trà chanh, 4 cửa hàng cà phê và 8 nhà nghỉ tạm dừng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, mới chỉ có 7 cửa hàng ăn uống đóng cửa. Hiện tại lãnh đạo thị trấn vẫn tiếp tục cử cán bộ đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo tạm dừng hoạt động các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu của thành phố, từ ngày mai (27-3), các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện đồng bộ hai biện pháp: Tập trung tuyên truyền để nhân dân đồng lòng thực hiện, đồng thời có hình thức xử lý với các trường hợp cố tình không chấp hành.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, quận sẽ giám sát chặt chẽ và Chủ tịch UBND 18 phường phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo quận nếu để xảy ra sai phạm, không thực hiện đúng theo chỉ đạo của quận và thành phố trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đã chỉ đạo các phường tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở các trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm thời dừng mọi hoạt động kinh doanh vì cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái nêu rõ các giải pháp: “Quận đã giao 14 phường trên địa bàn, trong đó lực lượng công an chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, nhắc nhở chủ cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố... Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, lực lượng chức năng của quận sẽ tập trung giám sát việc thực hiện”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cũng khẳng định, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, huyện Quốc Oai yêu cầu các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tạm dừng đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Karaoke, trò chơi điện tử... để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người.
Các quận, huyện khác cũng khẳng định tăng cường các biện pháp giám sát đi đôi với tuyên truyền vận động để người dân nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, cùng góp sức ngăn ngừa, phòng chống hiệu quả dịch Covid-19.