Tạm giữ hình sự 18 đối tượng liên quan vụ trục lợi tiền bảo hiểm tại Đồng Nai
Kinhte&Xahoi
18 đối tượng bao gồm bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tại Phòng khám đa khoa ở thành phố Biên Hòa cùng các đối tượng môi giới làm giả, mua bán giấy nghỉ bệnh để hưởng bảo hiểm xã hội đã bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Ngày 2/6, Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, liên quan đến vụ trục lợi tiền bảo hiểm tại các phòng khám ở thành phố Biên Hòa, Cơ quan Công an đã ra quyết định tạm giữ hình sự 18 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cụ thể, 18 đối tượng bị tạm giữ có 5 bác sĩ (trong đó, 3 bác sĩ là Trưởng các phòng khám: đa khoa Long Bình Tân, đa khoa Tân Long và đa khoa Hiền Phước; 1 bác sĩ là Phó trưởng phòng khám đa khoa Tam Đức; 1 bác sĩ chuyên khoa tại Phòng khám đa khoa Mỹ Đức). 13 đối tượng còn lại là nhân viên y tế và đối tượng “cò” để làm giả các loại giấy tờ để trục lợi bảo hiểm xã hội.
Công an làm việc với các nhân viên y tế tại các phòng khám để phục vụ công tác điều tra. (Ảnh: TTXVN)
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin sáng 30/5, Công an TP Biên Hòa phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt khám xét 8 địa điểm (trong đó có 6 phòng khám đa khoa tư nhân) trên địa bàn thành phố.
Quá trình khám xét tại các phòng khám, địa điểm liên quan, lực lượng Công an đã phát hiện và thu giữ hơn 130.000 giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng bảo hiểm xã hội; hơn 400 giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám. Ngoài ra, để phục vụ công tác điều tra, lực lượng chức năng cũng thu giữ 100 thùng tài liệu, hơn 40 CPU máy vi tính, điện thoại di động và các tài liệu, tang vật có liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh tại các phòng khám này.
Công an khám xét và thu giữ nhiều tài liệu, máy móc tại phòng khám đa khoa Tam Đức, phường Tân Hiệp. Ảnh: Báo Lao động
Cơ quan công an xác định, các đối tượng trên đã làm giả các loại giấy tờ bán cho công nhân, người lao động tại các công ty trên địa bàn để quyết toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các đối tượng còn lập hồ sơ rút tiền bảo hiểm y tế đối với công nhân (trên thực tế công nhân không bị bệnh và cũng không đi khám nhưng các phòng khám vẫn được hưởng tiền khám, chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế). Việc làm này đã làm thất thoát ngân sách nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Khuê Lâm - Pháp luật Plus