Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng dịch

17/01/2022 14:20

Kinhte&Xahoi Đoàn kiểm tra số 7 về phòng chống dịch COVID-19 của thành phố do TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố, đã có buổi kiểm tra, làm việc trực tiếp với quận Đống Đa trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Phong phú các hình thức tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19

 Theo báo cáo của quận Đống Đa, cộng dồn từ khi triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đến nay, quận ghi nhận 9.406 F0; Trong đó, 3.549 F0 tại cộng đồng và 5.857 F0 đã được cách ly; Xác định 9.502 người tiếp xúc gần (F1), 53 trường hợp tử vong do COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, quận Đống Đa đã khẩn trương thực hiện nghiêm theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố, Quận uỷ, HĐND quận và phòng ban chuyên môn của Sở Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh.

TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng chống dịch COVID-19 phát biểu tại buổi làm việc

Quận đã xây dựng các kế hoạch, phương án và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của thành phố tại các công điện, chỉ thị, kế hoạch và thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch đã được đề ra.

Quận Đống Đa đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, xác định rõ công tác phòng chống bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Quận huy động toàn bộ hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân tập trung thực hiện các biện pháp để ngăn chặn và kiểm soát không để dịch lây lan.

Bên cạnh đó, quận tăng cường công tác phối hợp các cấp, ngành trong công tác phòng chống dịch như phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai trong việc xin hỗ trợ chuyên môn của tuyến Trung ương; Phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trong việc thực hiện điều tra, truy vết các trường hợp F0, F1, trường hợp liên quan; Công tác xét nghiệm, lấy mẫu kịp thời; Phối hợp Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia và Sở Thông tin và Truyền thông mở tài khoản, tổ chức tập huấn cho các phường và duy trì hoạt động quản lý phản ánh của người dân từ các nguồn hotline, Zalo, Facebook những vấn đề liên quan đến phòng chống dịch.

Quận Đống Đa cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng chống dịch; Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch trên địa bàn; Phát huy tối đa hệ thống loa truyền thanh, bên cạnh đó để hỗ trợ hệ thống loa phường, 21 phường đã tăng cường 311 loa kéo tay để tuyên truyền sâu rộng hơn.

Tư vấn qua điện thoại cho các F0 thể nhẹ

 Trung tâm Y tế quận triển khai tiếp nhận khai báo của người dân và quản lý F0 trên website: https://chamsocsuckhoe.yte360.com từ ngày 8/12/2021; Tính tới 12h ngày 14/1/2022 đã có 7.343 F0 được cập nhật lên hệ thống quản lý.

Quận đã phân tầng điều trị 2.695 F0 có triệu chứng, 213 F0 có triệu chứng nhẹ, 206 F0 có triệu chứng chuyển nặng (tầng 2), 33 F0 có triệu chứng nặng (tầng 3). UBND 21 phường công khai số điện thoại đường dây nóng của các trạm y tế lưu động, trưởng trạm y tế phường để người dân dễ tiếp cận khi có vấn đề về sức khỏe.

Tính đến 14/1/2022, các trạm y tế lưu động đã thực hiện 6.448 cuộc tư vấn qua điện thoại cho các F0 thể nhẹ đang điều trị tại nhà, đảm bảo 100% F0 được tư vấn và hướng dẫn kịp thời.

UBND quận đã thực hiện rà soát lập danh sách các hộ gia đình đủ điều kiện để F0 điều trị tại nhà và cách ly F1 tại nhà, tổng số 25.910/ 96.913 hộ gia đình đủ điều kiện. Quận đã ban hành quyết định thành lập và quyết định kiện toàn 23 trạm y tế lưu động trên địa bàn.

UBND 21 phường thành lập 228 tổ COVID-19 cộng đồng với 1.888 nhóm và 4.663 thành viên, 8.367 tổ liên gia tự quản với 9.366 đầu mối liên hệ; 170 tổ lấy mẫu xét nghiệm...; Phối hợp với mạng lưới thầy thuốc đồng hành tư vấn hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà.

Đoàn đã kiểm tra tại Trạm Y tế lưu động phường Ngã Tư Sở

Tính đến ngày 14/1/2022, toàn địa bàn quận theo dõi quản lý chăm sóc điều trị tại nhà 2.710 F0; Theo dõi quản lý chăm sóc điều trị tại cơ sở thu dung 1.177 F0; Kết thúc điều trị 3.659 F0; Chuyển tuyến điều trị 655 F0 theo phân tuyến.

Tất cả các F0 trên địa bàn đều được tiếp cận với y tế. Trung tâm y tế quận chỉ đạo thực hiện phát túi thuốc A cho 100% bệnh nhân theo dõi tại nhà; Phát túi thuốc C cho những bệnh nhân đủ điều kiện sử dụng thuốc. Trạm y tế tại 21 phường đã tư vấn hướng dẫn và cấp phát các túi thuốc A cho 3.738 F0, túi thuốc C cho 1.578 F0.

Trong công tác tiêm chủng, quận Đống Đa đã tổ chức 40 đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đối với người đủ 18 tuổi trở lên đã có 263.603 người tiêm mũi 1; 248.243 người tiêm mũi 2; 54.330 người tiêm bổ sung và mũi 3. Đối với người tiêm tại nhà (người bị liệt, không đi lại được...) đã tiêm được 901 mũi 1.

Qua làm việc với quận Đống Đa và kiểm tra trực tiếp tại một số trạm y tế lưu động trên địa bàn quận, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội đã đánh giá cao nỗ lực của toàn quận trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của toàn quận.

Đồng thời, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu quận Đống Đa cần đẩy mạnh việc điều trị tại nhà cho các F0; Quản lý tốt bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, các điều kiện thiết yếu để theo dõi, đảm bảo sức khỏe cho F0; Tiếp tục rà soát thực hiện bao phủ việc tiêm vắc xin cho nhân dân trên địa bàn để phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, quận Đống Đa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức phòng dịch của người dân; Đảm bảo người dân được cung cấp thông tin, tư vấn sức khỏe. Bên cạnh đó, quận tuyên truyền đường dây nóng 1022 để người dân có thể tiếp cận với mạng lưới thầy thuốc đồng hành, giúp yên tâm trong việc theo dõi sức khỏe của bản thân cũng như giảm tải cho y tế cơ sở...

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-cong-tac-tuyen-truyen-huong-dan-nguoi-dan-nang-cao-y-thuc-phong-dich-188158.html