Tăng cường kết nối, cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp

22/03/2022 19:43

Kinhte&Xahoi Với mong muốn hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm 6 tỉnh lân cận tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến với sự tham gia của 84 đơn vị. Với chỉ tiêu tuyển dụng lớn, đa dạng các vị trí việc làm cùng mức lương hấp dẫn đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Kết nối cung cầu với hơn 31 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng

Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26/1/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 và chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội về việc hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp; hỗ trợ người lao động tìm việc làm trong tình hình mới, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố nhằm kết nối việc làm cho người lao động trong tình hình mới, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp và ứng viên trao đổi tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Ảnh: L.Hằng

Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ sớm để tuyển dụng lao động thời vụ, bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Trưởng Phòng tổ chức hành chính Công viên nước Hồ Tây cho biết, Công viên mở cửa theo thời vụ, do đó đang cần lao động thời vụ để đảm bảo công việc chung. Tham dự phiên giao dịch việc làm, Công viên nước Hồ Tây đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng trên 100 nhân sự vào các vị trí như bảo vệ, soát vé, chăm sóc khách hàng, nhân viên môi trường, nhân viên y tế, kỹ thuật, cứu hộ…

“Tùy từng vị trí công việc mà yêu cầu đối với người lao động có sự khác biệt. Ví dụ đối với nhân viên y tế phải tốt nghiệp chuyên ngành y tế; nhân viên kỹ thuật cũng phải tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật. Tuy nhiên với nhân viên môi trường, soát vé thì chỉ cần đủ tuổi lao động và các bạn năng động, chịu khó”, bà Hồng cho hay. Cũng theo bà Hồng, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng, do đó, cùng với việc tham gia phiên giao dịch việc làm, Công viên đã tham gia tuyển dụng tại nhiều kênh khác để thu hút người lao động tham gia ứng tuyển vào các vị trí làm việc.

Không chỉ có các đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến tuyển lao động để bổ sung các vị trí còn thiếu hụt, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng tham gia tuyển dụng để có nguồn lao động tiến tới mở rộng sản xuất. Bà Vũ Thị Hoài, đại diện Công ty Đồng phục Hải Anh chia sẻ, phát triển lao động là việc làm lâu dài nên công ty phải tiến hành tuyển dụng thêm để có thể mở rộng thêm nhà máy trong tương lai.

Tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến, công ty đưa ra chỉ tiêu tuyển 100 công nhân may có tay nghề. Đối với công nhân may có tay nghề công ty không giới hạn về độ tuổi, giới tính. Với học viên may sẽ được đào tạo trong 7 ngày. Trong 7 ngày học viên học việc, công ty sẽ trả cho người lao động 100 nghìn đồng/ngày và nuôi ăn, ở. Đặc biệt, bên cạnh những chính sách hỗ trợ nơi ở, ăn uống cho người lao động, công ty cũng đề ra những chính sách mới có lợi để thu hút người lao động như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp phụ nữ…

Không chỉ có những công ty lớn thiếu hụt người lao động, những công ty vừa và nhỏ cũng đang gặp khó khăn vì nhiều vị trí bị khuyết lao động. Anh Hùng, đại diện Công ty Cổ phần in và thương mại Trường An (có trụ sở tại Khu Công nghiệp vừa và nhỏ Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) cho hay, Công ty anh chuyên về in ấn sách báo, tài liệu, lịch, ấn phẩm giáo dục, hiện tại đang thiếu công nhân vận hành máy móc in và đóng gói sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên hiện tại có nhiều vị trí thiếu lao động, do đó, công ty cần tuyển dụng 10 lao động để vào làm việc, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất của công ty trong thời gian tới.

Ghi nhận tại phiên giao dịch việc làm cũng cho thấy, người lao động hết sức phấn khởi khi được kết nối với nhiều cơ hội việc làm. Kết thúc cuộc phỏng vấn online với các doanh nghiệp, chị Quyên (Khu đô thị Thanh Hà, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị tìm kiếm công việc liên quan tới nhân sự với mức lương mong muốn từ 9 triệu đồng trở lên. Theo chị Quyên, phiên giao dịch việc làm đã hỗ trợ kịp thời cho người lao động và các bên tuyển dụng. Tại phiên giao dịch việc làm, ứng viên có thể kết nối với nhiều nhà tuyển dụng và ngược lại các nhà tuyển dụng cũng được phỏng vấn nhiều ứng viên để tìm nguồn lao động phù hợp.

Nâng cao hiệu quả kết nối thị trường lao động

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, với sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, trực tiếp là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức các chương trình, giải pháp, biện pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động, trong đó hướng tới hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động cũng như hỗ trợ lao động tìm việc làm.

Theo đó, từ sau thời gian nghỉ Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng ngày trên toàn hệ thống (15 điểm sàn giao dịch việc làm) được phân công quản lý. Cùng đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tổ chức phiên giao dịch việc làm online, ngoài kết nối các điểm Hà Nội, trung tâm còn kết nối với các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Được biết, phiên giao dịch việc làm trực tuyến được tổ chức ngày 17/3 là phiên giao dịch việc làm thứ 2 được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức từ đầu năm 2022.

“Phiên giao dịch việc làm trực tuyến được tổ chức nhằm hướng tới kết nối các tỉnh phía Bắc để tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm. Qua đó, hỗ trợ tối đa nhất cho doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp thiếu hụt lao động, không chỉ riêng Hà Nội mà còn các tỉnh khác.

Thông qua các hoạt động giao dịch việc làm, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm được nguồn lao động phù hợp, đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị. Bên cạnh đó, đối với người lao động các tỉnh, cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ được mở rộng hơn. Người lao động có thể lựa chọn vị trí việc làm tại các tỉnh để phù hợp với các tiêu chí đặt ra, từ đó ổn định cuộc sống”, ông Thành chia sẻ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hình thức kết nối trực tuyến đang được trung tâm đẩy mạnh triển khai, bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực được doanh nghiệp và người lao động đánh giá cao. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc áp dụng công nghệ trong kết nối cung - cầu thị trường lao động.

Nói về những khó khăn trong việc kết nối giữa các nhà tuyển dụng và người lao động, ông Thành cho biết: Khó khăn rất rõ khi áp dụng công nghệ trao đổi giữa doanh nghiệp và người lao động thông qua mạng và máy tính. Khó khăn đầu tiên là trang thiết bị, nếu đường truyền không tốt, máy tính cấu hình không đủ mạnh cũng ảnh hưởng tới nội dung cuộc phỏng vấn. Tiếp đến là việc trao đổi thông tin như: Tiếp nhận thông tin vị trí việc làm; tiếp nhận thông tin nguồn lao động đi tìm việc làm vẫn còn chậm.

“Đúc rút kinh nghiệm từ các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tập hợp sớm nhất các thông tin từ nhà tuyển dụng cũng như của người lao động trước khi tổ chức các giao dịch việc làm. Các tỉnh sẽ phải liên thông cơ sở dữ liệu nhiều hơn, thu thập cơ sở dữ liệu từ đó có sự trao đổi để khi kết nối doanh nghiệp liên tỉnh đã có các cuộc tư vấn để hiệu quả kết nối cao hơn, tốt hơn”, ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Vũ Quang Thành, thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục có những giải pháp, tăng cường tổ chức hoạt động định kỳ, lưu động, phiên chuyên đề bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến để hỗ trợ tối đa nhất cho người lao động và doanh nghiệp tham gia thị trường lao động./.

Lương Hằng - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/tang-cuong-ket-noi-cung-ung-nhan-luc-cho-doanh-nghiep-137553.html