Chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 4953/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.716 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 539/579 xã, phường, thị trấn.
Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là D1, D2 và D4. Đặc biệt, trong những tuần gần đây, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng cao về số ca mắc và ca nặng phải nhập viện.
Trước thực tế đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội, là đơn vị thường trực, cần theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Cùng với đó, tăng cường giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết, thống kê đầy đủ các ca bệnh và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu CDC Hà Nội hỗ trợ chuyên môn cho các quận, huyện, thị xã để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch đang hoạt động; triển khai thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về cách chăm sóc, điều trị, dấu hiệu chuyển nặng của người bệnh sốt xuất huyết; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, phòng muỗi đốt…
Đối với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị này phối hợp với phòng y tế tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy hằng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch. Ngoài ra, bảo đảm các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát.
“Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý, không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức diệt loăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế. Cùng với đó, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động, diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có bệnh nhân mắc, có chỉ số muỗi và bọ gậy ở mức cao…”, Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.
Đối với các bệnh viện, Sở Y tế thành phố yêu cầu sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; bảo đảm cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh sốt xuất huyết.
Sở Y tế thành phố cũng giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm tiếp tục tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở y tế trực thuộc.
Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm chẩn đoán, phân độ, bù dịch theo hướng dẫn, không bù dịch khi chưa có chỉ định. Đồng thời, tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ, ngày lễ để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên.
“Các cơ sở y tế trước khi cho người bệnh chuyển tuyến phải liên hệ cơ sở tuyến trên và gửi kèm giấy tóm tắt điều trị theo quy định. Tổ chức bình bệnh án, kiểm thảo tử vong, báo cáo Sở Y tế những ca bệnh tử vong do sốt xuất huyết để rút kinh nghiệm kịp thời. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của các khoa”, Sở Y tế Hà Nội lưu ý.
Thu Trang - Hà Nội mới