Tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

25/04/2023 19:04

Kinhte&Xahoi Chiều 25/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người trên địa bàn thành phố. Dự tại điểm cầu UBND Thành phố có GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cùng lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 28 ngày gần đây (20/3-16/4) thế giới ghi nhận hơn 2,8 triệu trường hợp mắc Covid-19, gần 18 nghìn trường hợp tử vong (tương ứng giảm 27% và 32%) so với 28 ngày trước đó.
 
Tại Việt Nam, số mắc mới Covid-19 và số nhập viện đang có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước (đặc biệt từ giai đoạn giữa tháng 4/2023 đến nay). Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tại khu vực phía Bắc, trong tuần 16/2023, một số tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều ca bệnh như: Hải Phòng (1.178) Quảng Ninh (1.173); Bắc Ninh (980), Thái Nguyên (821); Vĩnh Phúc (766); Hải Dương (747); Phú Thọ (584) Hà Nam (570); Yên Bái (569), Hưng Yên (533). Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ 20/4-23/4, trung bình mỗi ngày ghi nhận gần 200 trường hợp mắc mới, xu hướng dịch cũng gia tăng rõ rệt trong những ngày gần đây.
 
Từ đầu vụ dịch đến nay, cả nước ghi nhận 11.543.059 trường hợp mắc và 43.187 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong là 0,4%).
 
Tại Hà Nội, cộng dồn đến ngày 24/4/2073: có 1.142 mắc, 0 tử vong; giảm so với cùng kỳ 2022 (1.488.400/414). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện, thị xã.
 
Trong 7 ngày gần đây (từ 18-24/4) toàn Thành phố ghi nhận 1.857 trường hợp mắc, số mắc tăng so với 7 ngày trước đó (720 mắc). Ngày 24/4, ghi nhận số mắc cao nhất với 411 trường hợp. Từ đầu năm 2023 - 1/4/2023, trung bình số nhiễm mới từ 2-5 người/ngày. Không có biến động về số lượng người nhiễm cũng như độc lực của virut hay xuất hiện biến chứng mới. Không có bệnh nhân nặng.
 
Từ 1/4/2023 đến nay, tổng số người mắc là 2.927 người, số người nhiễm Covid-19 tăng dần từ 4/4 là 17 người/ngày đến 7/4 là 43 người/ngày, 12/4 là 96 người nhiễm/ngày và từ 18/4-24/4 trung bình 265 người/ngày, ngày 24/4 có số mắc cao nhất là 411 ca.
 
Các biến chủng qua giải trình tự gen cho thấy cũng tương đồng như Việt Nam và Thế giới (biến chủng XBB1.5 và XBB1.9.1), chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực, nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ, các triệu chứng biểu hiện đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng.
 
Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Covid-19, tính đến hết ngày 24/4/2023, toàn thành phố đã tiêm được 21.591.114 mũi (trong đó Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tiêm được 20.038.211 mũi).
 
Đối với các dịch bệnh khác, cộng dồn toàn Thành phố đến ngày 24/4/2023, ghi nhận 224 ca mắc sốt xuất huyết, 1.300 ca mắc thủy đậu, 1 ca mắc Rubella, 6 ca uốn ván, 3 ca mắc liên cầu lợn, 31 ca mắc quai bị. Các bệnh dịch khác như dại, sởi, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản chưa ghi nhận trường hợp mắc.
 
Tại cuộc họp giao ban, đại diện các quận, huyện: Hoàng Mai, Đông Anh, Thanh Trì, Mê Linh và Đống Đa báo cáo tình hình dịch Covid-19, các dịch bệnh khác tại địa phương; công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua, cũng như kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, quyết tâm không để dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn thành phố. Theo đánh giá, các địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hiện chưa phát sinh vướng mắc., 

Quang cảnh cuộc họp

Đánh giá tình hình phòng, chống dịch, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết Hà Nội đã vào cuộc rất nhanh triển khai các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khi số ca mắc vừa mới gia tăng. GS.TS Phan Trọng Lân lưu ý, vi rút SARS-CoV-2 vẫn tồn tại và khó dự báo, khó đoán định. Trong khi đó, Hà Nội là địa bàn giao lưu lớn, cũng là nơi tập trung các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương nên lượng người từ các tỉnh, thành phố về rất lớn. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 5 ngày, người lao động, học sinh, sinh viên sinh sống và học tập tại Hà Nội sẽ trở về quê. Do đó, sau kỳ nghỉ lễ, khi họ trở lại thành phố, công tác phòng, chống dịch cần phải được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo đảm an toàn.
 
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà biểu dương các địa phương, các sở, ngành đã chủ động, triển khai tích cực và đồng bộ các nội dung theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã cần rà soát lại toàn bộ công việc, tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời, chủ động ban hành các văn bản về hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.
 
Đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị các Sở: Du lịch, Giao thông Vận tải, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại các văn bản đã ban hành, tiếp tục ban hành các văn bản tăng cường các giải pháp trọng tâm và chịu trách nhiệm triển khai theo phạm vi quản lý của mình. Riêng kỳ nghỉ lễ sắp tới, các sở, ngành cần thống nhất và sẵn sàng về lực lượng ứng trực, đầu mối, số điện thoại và gửi về Sở Y tế Hà Nội. Khi có các tình huống phát sinh, các lực lượng sẽ phối hợp nhanh chóng và kịp thời.
 
"Với tinh thần khẩn trương, chủ động trong công tác phòng, chống dịch, Thành phố sẽ tránh các tình huống phát sinh và nguy cơ bùng phát dịch, từ đó, người dân sẽ có kỳ nghỉ lễ an lành", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà khẳng định.

Trần Hương - HNP

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2857236/tang-cuong-tuyen-truyen-phong-chong-dich-covid-19-dip-nghi-le-304-va-15.html